TRAN XUAN AN - PCDT NGUYEN VAN TUONG (tap III A)

Sunday, December 18, 2005

PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (tập III A 5)

Tệp 5 – Tập III Blog A
(PHÂN ĐOẠN 5 TRUYỆN KÍ THỨ 9)


TRẦN XUÂN AN

BẮC KÌ, TƯỞNG CHỪNG LẶP LẠI


Truyện kí thứ chín
(phân đoạn 5)

18

Ở Huế, các đồn Lộ Châu, Triều Sơn trên tuyến phòng thủ cửa Thuận – sông Hương được tăng cường thêm năm trăm (500) biền binh (188). Lính trạm các cung đường từ kinh ra Bắc Kì đều được phụ cấp thêm tiền gạo để phục vụ quân bưu một cách có năng suất, hiệu quả hơn trong tình trạng khẩn cấp (189).
Viện – Bạc, lúc này gồm Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, và vẫn còn có cả Trần Tiễn Thành, mặc dù quan họ Trần vốn chủ “hoà” này đang ốm vì bệnh và vì bị triều thần chỉ trích. Viện – Bạc tâu xin ra lệnh dụ cho kinh lược sứ Nguyễn Chính (Chánh) lập tức thông tư, bàn bạc việc quân với thống đốc Hoàng Tá Viêm để tuỳ cơ đánh chiếm lại thành Nam Định, “nghiêm sức cho thân sĩ các phủ huyện đoàn kết xã dân, canh giữ để cho chúng [:Pháp] chỉ giữ [được] tỉnh thành, không được lấn xuống, mới có thể tính dần được” (190) .
Mặc dù đang bệnh, vua Tự Đức bảo rằng: “Từ trước đến nay thân sĩ đã xin đoàn kết để ứng cứu, bảo vệ. Sao lúc ấy không tính ngay, cho chúng có thì giờ được voi đòi tiên, lan tràn khó tính, sĩ khí ngày càng tiêu tan hết? Nguyễn Chính đã cho chọn đất đóng quân để làm thanh thế cho quan tỉnh, nay cũng không được công trạng gì, phải giáng bốn cấp, lưu [nhiệm], phải lấy lại ngay tỉnh thành, để chuộc tội trước” (190) .
Khác với Bắc Kì “tả đạo”, “phù Lê” trước đây, ở thời điểm này, tinh thần đoàn kết dân tộc và yêu nước truyền thống đã được khơi dậy mạnh mẽ.
Năm trăm (500) quân kinh đô lại được lệnh hành quân ra Thanh Hoá, và đồng thời tỉnh ấy mộ thêm thổ dũng (lực lượng dân quân), tái nhập ngũ lính mộ cũ, khoảng sáu trăm rưỡi (650) viên (191). Nguyễn Chính cũng phái thêm vào Thanh Hoá ba trăm viên lính, đóng tại Tam Điệp, Nhân Sơn, Chính Đại (192). Tạ Hiện nghe thành Nam Định mất, liền xin về chiêu mộ thổ dũng để quyết đánh, chiếm lại, với chức vụ đề đốc (193), thay liệt sĩ Lê Văn Điếm.
Vẫn đang là tháng hai Nam lịch, năm Tự Đức thứ ba mươi sáu, Quý mùi (1883)! Toàn thể các quân thứ và đa số nhân dân Bắc Kì đã quyết chiến để rửa nhục.
Cuối trung tuần tháng này, quân Pháp vượt sang sông Hồng, sấn vào chỗ đóng quân của ta ở Gia Lâm (194). Chúng thách thức, khiêu chiến. Hôm ấy, đúng ngày mười chín (27.03.1883), với tinh thần bừng bừng quyết chiến, tổng đốc Bắc Ninh Trương Quang Đản liền điều động, đốc thúc quân binh đến ngay tại Gia Lâm để trợ lực, kinh lược phó sứ Bùi Ân Niên cũng đem quân tiếp đến. Cả ba đội quân nổ súng, vung gươm với quyết tâm chiến thắng.
Quân Pháp phải rút lui trong hoảng loạn. Chúng quay về giữ Dốc Gạch, đem theo xác một tên quan ba, bốn tên lính Pháp tử thương, cùng sáu tên khác bị thương. Quân ta, sáu người không tránh khỏi bị thương tích (194).
Hôm sau, sáng ngày hai mươi (28.03.1883), với quân số được tăng viện, Pháp lại đến tấn công. Binh dõng, quân thứ Bắc Ninh quyết giữ những chỗ hiểm yếu, nấp bắn. Không thể tấn công nổi, quân Pháp lại rút. Trận này, phía Pháp chết chín tên, một tên khác bị thương. Quân ta cũng bị tổn thất: bị thương mười người lính, chết năm viên (194).
Chiều hôm ấy, độ giờ mùi (13 – 15 giờ), quân Pháp tiến thẳng lên đê sông Hồng, bắn loạn xạ. Binh dõng của ta liền đánh giáp lá cà. Trận đánh bằng võ thuật và dao ngắn rất dữ dội. Số bị thương và chết tương đương nhau, mỗi bên khoảng hai, ba chục người. Về sĩ quan, Pháp có một viên quan hai phải bị băng bó vết thương do dao ngắn và các thế võ. Phó đề đốc Trần Xuân Soạn cũng bị thương nhẹ. Trong trận ấy, không những đạo quân của Trương Quang Đản và tán lí Lương Quy Chính, đạo quân của Bùi Ân Niên tức tốc đến ứng cứu, các đạo quân khác của thương biện Nguyễn Cao, lãnh binh quan Hồ Văn Phấn cũng liền tiếp viện. Quân Pháp chống đỡ không nổi, liền hãi hùng rút quân xuống tàu binh, chạy về Đồn thuỷ Hà Nội (194).
Tin chiến thắng tại Bắc Ninh đã truyền nhanh một niềm phấn khởi khắp cả nước. Ở kinh đô Huế, những tập tâu báo tiệp bay vào làm nức lòng vua Tự Đức, hai đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cùng phần lớn đình thần và nhân dân.
Ngôi nhà vuông mới xây dựng xong, phía sau, bên trái Tả vu Điện Cần chánh, nơi chỉ có tứ trụ đại thần đến bàn luận việc cơ mật, và vài tham biện, tư vụ được tin cẩn, túc trực để phụ giúp, ghi chép, ngoài ra không một ai khác được ghé vào, kể cả những vị quan trợ lí hành chính thuộc Viện – Bạc. Sáng sớm hôm sau, tại đó, thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường và thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết đang đọc lại những bản tâu trình về ba trận thắng tại Gia Lâm, Dốc Gạch, triền đê sông Hồng thuộc tỉnh Bắc Ninh.
- Đúng như tin quân thám báo, quyền tuần vũ Hà Nội Vũ Nhự cho biết, bọn Pháp sẽ tấn công Bắc Ninh để chặn chân các quân thứ và quân binh tỉnh ấy cứu viện Nam Định, tập kích Đồn thuỷ. – Quan Bộ Binh nói –. Lẽ ra theo kế hoạch, khi bọn rợ Pháp tấn công thành Nam Định, Nguyễn Chính tiếp viện, phối hợp đánh ngay, và ngay lúc đó, quân tại Bắc Ninh sẽ tập kích hậu cứ Đồn thủy (rợ Pháp đã rút phần lớn quân đi đánh Nam Định). Nhưng bọn Pháp cũng ranh ma lắm. Một số quân của chúng từ Nam Định, sau khi chiếm được thành liền tức tốc quay về phối hợp với quân tại hậu cứ Đồn thuỷ để đánh cản quân ta tại Bắc Ninh.
- Ta kém chúng ở tốc độ hành quân! Cái nhược điểm của ta là ở chỗ hành quân bằng phương tiện ghe thuyền quá thô sơ, quân kị binh lại quá ít. – Quan Bộ Hộ phân tích –. Nhưng dẫu sao quân tỉnh Bắc Ninh và các quân thứ khác tại đó cũng ba lần đẩy lùi được giặc Pháp. Đó là ba lần chiến thắng rõ rệt. Bọn Pháp phải tháo chạy. Tôi nghĩ Bộ Binh cần khắc phục về nhược điểm hành quân chậm.
- Đúng vậy, quyết chiến, không thể không khắc phục nhược điểm ấy, và cả nhược điểm về vũ khí nữa. Về vũ khí, năm kia (Tân tị, 1881), Hoàng Tá Viêm đã sai Lưu Vĩnh Phúc sang Vân Nam mua một số súng đạn Âu Mỹ khá nhiều, lại từ tháng mười một năm ngoái (Nhâm ngọ, 1882), vua đã chuẩn cho “sai quan tỉnh Lạng Sơn gửi sang Hương Cảng hỏi mua hai trăm (200) cây súng Tây [dương], hai hòm viên đạn (giá hơn bốn trăm mười bốn [414] lạng bạc) để phòng dùng cho việc quân tỉnh ấy” (195) , trong đó có cung cấp cho các quân thứ Cao Bằng, Lạng Sơn của Lương Quy Chính, Nguyễn Cao, Trần Xuân Soạn…
- Còn nguyên nhân thắng lợi khác?
- Đó là có sự yểm trợ của quân Thanh, mặc dù quân Thanh chỉ kéo ra áp sát biên giới, mới đưa một số doanh sang Quán Ty (Hưng Hoá), sang các tỉnh miền núi tả ngạn, hữu ngạn sông Hồng, và chưa nhúc nhích, động binh lần nào.
Thượng thư Nguyễn Văn Tường gật đầu, lại nêu câu hỏi cho rõ vấn đề hơn:
- Dẫu vậy, ý quan Bộ Binh nói, cũng giúp quân ta tự tin hơn chăng?
- Không nên ỷ lại vào quân Thanh, nhưng yếu tố tự tin tăng cao hơn là vì có quân Thanh hậu bị, không thể phủ nhận được. – Thượng thư Tôn Thất Thuyết trả lời –. Không những tinh thần của các quan quân ở các tỉnh Bắc Kì phấn chấn lên, mà nhà vua, các quan tại triều cũng có chung sự phấn chấn đó (mặc dù xen lẫn chút âu lo). Tôi thấy rõ việc liên minh quân sự với nhà Thanh là một thắng lợi ngoại giao của quan Bộ Hộ và của vua tôi triều đình ta.
Thượng thư Nguyễn Văn Tường mỉm cười. Ông nói:
- Quan Bộ Binh quá khen! Thật ra, ngoại giao và quân sự không thể tách lìa nhau, và một khi phối hợp ăn khớp, sẽ nhân lên sức mạnh cho nhau. Từ khi tôi trực tiếp thành lập Cục Thuyền chính, liên minh quân sự, chính trị, ngoại giao với nhà Thanh qua liên hệ hợp đồng với Đường Đình Canh của Chiêu Thương cục, bằng vỏ bọc vận tải ấy (nhằm qua mắt bọn Pháp, các cố đạo), tôi đã thấy tình thế đã buộc triều đình chúng ta bước vào tình huống “cưỡi lưng cọp” rồi. Thế cưỡi hổ đã thành! Khả năng tốt nhất dự kiến xảy ra là lập được thế ngoại giao đối trọng: Đại Nam ta trung lập, đứng giữa hai lực mâu thuẫn; ta vẫn vững vì hai lực ấy sẽ phải cân bằng! Hoặc, khả năng gay go sẽ xảy đến: Giữa Đại Nam triều Nguyễn ta và Pháp chỉ còn một phen sống mái mà thôi.
- Tôi biết bọn Pháp vẫn còn sử dụng chiêu bài “phù Lê”. Ở Hà Nội, tên Henry Rivière vẫn nuôi một con đàn bà hậu duệ nhà Lê (196). – Thượng thư Tôn Thất Thuyết nói –. Và việc bọn Pháp lợi dụng giáo dân “tả đạo” vẫn là chiến lược lâu dài của chúng, nhưng chúng biết rút kinh nghiệm, lần này đã khôn khéo giấu mặt.
- Trở lại vấn đề là tinh thần quyết chiến đã lên cao. Ba trận đẩy lùi quân Pháp của Bắc Ninh, mặc dù có người không cho là thắng lợi cơ bản, dẫu sao, cũng là ba trận chiến thắng, tuy ở quy mô nhỏ. Tinh thần quyết chiến và chiến thắng ấy cũng xuất phát từ việc giặc Pháp lần này cố bức bách ta, ta lại liên minh được với quân Thanh.– Thượng thư Nguyễn Văn Tường từ tốn nói –. Tinh thần, ý chí chiến đấu không thể hô hào suông mà dấy lên được trong đầu óc, trong tâm trạng quan quân. Tinh thần, ý chí chiến đấu ấy là truyền thống nghìn đời nhưng phải có cơ sở là thực lực, tức là quyết chiến trên sức mạnh có thật. Vấn đề là Viện – Bạc chúng ta suy sâu nghĩ xa để kiến nghị lên nhà vua, làm sao cho vua tôi chúng ta thật sự “thiết thạch đồng tâm”, quyết một lòng vững bền như sắt đá. Ít ra, nhờ vậy, cũng buộc bọn Pháp phải tuân thủ “hoà” ước Giáp tuất 1874, không thể được voi đòi tiên, được đằng chân lân đằng đầu. Trước mắt, tôi nói mục tiêu trước mắt, ít ra là như vậy. Còn hiện nay, vẫn chưa thể tính đến việc khôi phục lại toàn bộ giang san từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau được. Phải buộc cho bằng được bọn Pháp tuân thủ “hoà” ước Giáp tuất 1874! Tôi lần này, ngoài các điều khoản khác, sẽ quyết buộc chúng phải thi hành điều khoản thứ mười (X) ở Nam Kì: Ta được mở trường dạy quốc học trong ấy…
- Tôi đang nghĩ đến những trận chiến thắng quân sự tiếp theo phải đạt cho được tại Bắc Kì. – Quan Bộ Binh Tôn Thất Thuyết nói –.
- Đúng như vậy.
Hai đại thần Viện Cơ mật – Thương bạc cùng hội bàn kế hoạch quyết chiến trong những trận đánh sắp tới.
Vua Tự Đức dẫu đang ốm nặng với ung nhọt phía sau lưng (197) cũng không yên lòng buông lơi công việc. Nhà vua châu phê vào tập tâu của tổng đốc Bắc Ninh Trương Quang Đản và phó kinh lược sứ Bắc Kì Bùi Ân Niên: “Quan quân, binh dõng bị chết, đều cho thăng hàm, cấp tiền tuất và cho nhiêu ấm [con cháu được hưởng quyền lợi học tập, thăng bổ hoặc ban tặng chức sắc (thực quyền hoặc chỉ là danh xưng)]. Quan quân thứ, quan tỉnh các ngươi nên cố gắng nhiều hơn, một lòng, hết sức, giết bọn giặc, bắt tướng giặc, cốt cho nước ta được yên mà oai nước được mạnh” (198); “nên cố gắng hơn lên, đốc sức binh dũng, cốt phải đại thắng, cho chúng sợ không dám hành động” (199) ; các tỉnh khác, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, phải đóng cọc ở lòng sông, đánh đắm thuyền chở đầy đá để chặn tàu giặc Pháp tiến công (199); “một đạo Sơn Tây cũng nên hợp sức cố đánh, bày mưu đánh cho được, cốt chóng thành công cho đỡ lo nghĩ ngày đêm” (199); “Ninh Bình là chỗ cổ họng, quan hệ không phải là ít. Bọn Phan Đình Bình, các ngươi khéo dùng thổ dũng, dân binh, hết lòng phòng bị trước cho mười phần vững chắc…” (199); “còn ngoài ra, ai có mưu kế hay, [luyện] binh tinh nhuệ, đánh tất thắng, giữ thành tất vững, đều cho các quan quân thứ, quan tỉnh hết lòng mà làm…” (199) .
Như vậy, lệnh dụ quyết chiến đã được ban hành!
Quyết chiến!
Không còn cách nào khác!
Đó là con đường hào hùng nhất.

19

Tháng ba nguyệt lịch, năm Tự Đức thứ ba mươi sáu, Quý mùi (1883), việc tăng cường phòng thủ, chấn chỉnh binh lực càng được đẩy mạnh.
Súng lớn được bố trí thêm ở phía đông bắc kinh thành Huế. Quân biền binh vốn được điều động làm việc ở các sở thợ (công binh xưởng) đều được rút về để huấn luyện. Quân số ấy hơn một ngàn rưỡi (1.500) người (200).
Tại Quảng Trị, thân sĩ hăng hái mật tâu công việc chống đánh giặc Pháp (201). Triều đình phải theo sắc dụ bảo rằng, không nên hấp tấp.
Lại bố trí thêm hai mươi (20) cỗ súng đại bác, ba mươi (30) cỗ súng quá sơn ở đồn trước và đồn sau Lộ Châu (cửa Thuận An) (202).
Ở Bắc Kì, hai đại thần với quyền lực cao nhất là Hoàng Tá Viêm, Nguyễn Chính. Trước đây, sau khi Pháp thực thi mưu kế liền đánh chiếm Hà Nội, liền trao trả để làm sức ép hoãn binh, buộc ta thôi phòng thủ, Hoàng Tá Viêm là người đầu tiên và duy nhất dám cãi lệnh vua, khi nhà vua ban sắc dụ rút quân về Sơn Tây. Lần ấy, ông tâu về kinh: “Vạn phần đánh được cả!” (203) , ngầm trách lại vua và đình thần chủ “hoà”. Cũng lần ấy, thái tử thái bảo, kinh lược sứ Bắc Kì Nguyễn Chính cũng tâu về kinh: “Khiến cho giặc không dám trông thẳng!” (203). Nhưng trong thực tế chiến đấu, Nguyễn Chính đã hèn nhát! Nay, Nguyễn Chính không còn được giữ cờ tiết mao, đã bị giáng xuống hàm tán lí.
Hoàng Tá Viêm, nguyên thống đốc bị giáng xuống hàm tổng đốc, vẫn quyền giữ chức tiết chế thống lãnh toàn mặt trận Bắc Kì, cũng hưởng ứng sắc dụ quyết chiến. Lệnh dụ quyết chiến thật sự như mở cờ trong bụng, ông thật sự phấn khởi, mặc dù nhà vua còn trách cứ ông chậm tiếp viện, ứng cứu. Nguyễn Chính bị trách cứ nặng hơn, nhưng cũng có những biểu hiện hưởng ứng ý chí quyết chiến. Họ hưởng ứng lệnh dụ đã ban: “Bọn ngươi nên tính kĩ, làm [:phòng thủ, chiến đấu] cho thoả đáng, để hả lòng công phẫn, lừng lẫy uy thanh của nước” (203) .
Thống đốc Hoàng Tá Viêm cũng đã chiêu mộ được ba chục ngàn (30.000) dân quân, trong đó hơn ba ngàn bốn trăm (3.400) người đã được ông chỉ đạo huấn luyện và có kết quả giỏi (204). Tất nhiên, là tướng cầm quân, dạn dày kinh nghiệm, ông hiểu chỉ số người tập luyện giỏi mới chiến đấu tốt, và ngoài ra, lực lượng còn lại chỉ hỗ trợ, như tải thương, vận lương và tự giữ xóm làng. Điều đó, chứng tỏ nhân dân Bắc Kì đã tích cực hưởng ứng quyết lệnh chiến đấu chống Pháp, như truyền thống chống xâm lược nghìn xưa mà trong các bản dụ trước đây nhà vua không quên nhắc đến. Chẳng hạn, trong bản dụ trong tháng mười năm ngoái, Nhâm ngọ (1882): “Đại khái dân khí không yên, vì phong tục không chính, mà tiêm nhiễm đã lâu nên mới đến thế. Không thế, thì người đời xưa dùng để đánh quân Nguyên, quân Minh là dùng dân nào? Năm trước giặc Hải Dương quấy một tỉnh Nam Định, vì dân tốt, quan tốt, được đặc cách khen thưởng là dân nào?…” (205) .
Chỉ có một điều rất đáng tiếc, ấy là sự mâu thuẫn giữa thống đốc Hoàng Tá Viêm và phó kinh lược sứ Bắc Kì Bùi Ân Niên. Bùi Ân Niên những muốn được chuyên trách một đạo quân riêng để phối hợp với quân binh của Trương Quang Đản, vì giữa ông và thống đốc Hoàng Tá Viêm không có sự nhất trí trong việc vạch kế hoạch và tác chiến. Hoàng Tá Viêm mỉa mai, cho rằng Bùi Ân Niên am hiểu việc quân lắm, xin điều động Bùi Ân Niên về triều, giao quân lại cho ông (206). Vua suýt nghe theo lời tâu của thống đốc họ Hoàng! Ngay khi chưa có chỉ dụ triệu hồi Bùi Ân Niên, Hoàng Tá Viêm đã dùng quân lệnh buộc Bùi Ân Niên giao quân! Tham tán họ Bùi liền dâng sớ phản hồi, chê trách Hoàng Tá Viêm: “Giả sử quan thống đốc trước khi Nam Định chưa có việc, tiến ngay đến bức Hà Thành, khiến cho chúng trông chỗ nọ bỏ chỗ kia, không dám bừa bãi ở Nam Định, há không là việc tốt hơn ư? Lại cứ đóng ở Sơn Tây không tiến quân, cho nên chúng có thì giờ tính đánh Nam Định, sự thế thêm khó khăn…” (207). Bản sớ của Bùi Ân Niên còn vạch ra những điều khác, như tâu rằng Hoàng Tá Viêm toan rút quân thứ đóng tại Bắc Ninh lên Sơn Tây, trong khi Bắc Ninh đang bị Pháp quyết tâm đánh, lại chỉ chuyên nghe lời Lưu Vĩnh Phúc. Và cũng trong bản sớ ấy, Bùi Ân Niên còn tố cáo rằng, Hoàng Tá Viêm không nghĩ đến việc chung của Đất nước, sử dụng quyền lực để áp chế người dưới, khiến người dưới không làm được việc gì, lại ganh công với người dưới trong ba trận đẩy lùi quân Pháp tại Gia Lâm nữa (207)!
Viện – Bạc họp bàn, tâu lên vua. Dụ ban ra: “Đạo Sơn Tây binh tướng đã nhiều, mà đạo Bắc Ninh binh tướng hơi ít. [Bùi] Ân Niên cũng chưa thấy có việc gì kém, lại vẫn cho sung chức tham tán cai quản binh dũng đạo quân cũ, cùng với Trương Quang Đản cố gắng làm việc, cho xong việc định làm…” (207) . Và cuối cùng, sau cuộc tâu hặc lẫn nhau, đã được phân tích, để thanh thoả giữa hai người, thống đốc Hoàng Tá Viêm cũng vẫn được giữ quyền thống lãnh tiết chế như trước, tham tán Bùi Ân Niên vẫn ở cương vị cũ.
Đó là sự mất đoàn kết? Nhưng dẫu sao cũng thể hiện được phần nào tinh thần bình đẳng trong tâu hặc, phản hồi. Quan cấp trên khó lòng áp bức quan cấp dưới trong cơ chế bình đẳng trong tâu hặc, phản hồi ấy.
Cũng tháng ba ấy, bố chính tỉnh Quảng Tây nước Thanh là Từ Diên Húc lại ra cửa quan ải đóng quân để trấn áp (208). Tại Bắc Ninh, thống lãnh quân Thanh Hoàng Quế Lan đến đóng quân ở phủ Lạng Giang, quản đới Trần Đắc Dũng đóng quân ở huyện Yên Dũng, bang đới Diệp Phùng Xuân đóng bên tả ngạn sông Đáp Cầu, thống đốc Vy Hoà Lễ đóng quân ở Hùng Lãm, cùng nhau làm thanh thế ứng cứu. Quan quân thứ tỉnh Bắc Ninh Bùi Ân Niên bàn việc quân với Hoàng Quế Lan. Hoàng Quế Lan bảo: “Chưa tiếp được công văn thượng quốc [nhà Thanh], chưa dám hội lại làm việc”, “nếu chúng [:Pháp] có theo sông Nguyệt Đức đến, sẽ phái quân doanh đổi áo quần đánh giúp” . Chả là quân Thanh còn chờ kết quả cuộc đàm phán giữa Trung Hoa nhà Thanh với chính phủ Pháp!
Triều đình, nhất là hai đại thần Viện Cơ mật – Thương bạc Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đã biết rõ tình hình ấy. Nhà vua cũng cùng triều thần và Viện – Bạc đi đến kết luận tạm thời: “Nước Thanh đã lo ngại sinh ra hiềm khích [với nước Pháp]… […] … Rút cục, việc ta, ta phải làm là chính. Vậy cho các ngươi, quan quân thứ, quan tỉnh khuyến khích tướng biền phải tự gắng sức, cho hết đạo bầy tôi, mà làm cho thế nước mạnh mẽ, chớ có chỉ trông cậy vào người… […] … [Tuy vậy, cứ] tuyên ngôn quân nước Thanh đến giúp cho nổi thanh thế” (209) .
Hai đại thần Viện Cơ mật – Thương bạc Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đã nắm rõ tình hình ở Thiên Tân và phái bộ Phạm Thận Duật cũng như sứ thần Nguyễn [Thượng] Phiên ở Quảng Đông (Trung Hoa). Người nắm rõ vấn đề nhất, đó là thượng thư Nguyễn Văn Tường, vì ông chuyên trách mũi nhọn ngoại giao này.
“… Tháng hai [năm Quý mùi, 1883, trước thời điểm này một tháng]… bọn [Phạm] Thận Duật đến Thiên Tân thì nước Pháp đã có thư đến, nói không chịu điều đình, và vin lấy cớ hoà ước năm Giáp tuất [1874] có câu: “Nước Đại Nam có quyền tự chủ, không phải theo phục nước nào”, [để] không cho nước Thanh nhận nước ta làm thuộc quốc. [Pháp] lại rút sứ [thần] Bảo Hải [:Bourée] về, mà cho Lý Đức Cố [:Tricou] sang thay…” (210) .
Hướng vận động ngoại giao đối trọng ấy đang ở mức chưa thành công. Đại thần nhà Thanh Lý Hồng Chương vẫn tiếp tục thương thuyết cùng sứ thần mới của nước Pháp, ấy là viên quan văn Tricou.
Bởi thế, lực lượng quân Thanh do Hoàng Quế Lan thống lãnh tuy đã sang nước ta từ tháng chín nguyệt lịch năm ngoái (Nhâm ngọ, 1882) đến nay, vẫn chưa động tĩnh gì! Thượng thư Nguyễn Văn Tường hết sức lo ngại, nhất là trong lúc đó, Pháp càng có khuynh hướng chuyển quân thêm vào Bắc Kì. Thượng thư Tôn Thất Thuyết cũng cùng chung ý nghĩ lo ngại ấy.

20

Tình hình bên ngoài nước và trên mặt trận là thế, tình hình nội bộ cũng không phải không phức tạp, đau lòng.
Tháng ba nguyệt lịch Quý mùi (1883), nhà vua vẫn chưa có dấu hiệu khỏi bệnh. Hồng Sâm đã được phái sang Trung Hoa để tìm rước thầy thuốc giỏi, bởi các ngự y cũng như các lương y trong nước ta đều đã bó tay! Đại thần quản lí sự vụ Bộ Binh Trần Tiễn Thành từ đầu năm Quý mùi (1883) đến nay cũng đã mấy lần cáo ốm, nằm chữa bệnh ở công thự riêng trong khuôn viên Bộ Binh. Việc Trần Tiễn Thành bị chê trách rất nhiều là một trong những nguyên nhân khiến ông ta cáo ốm, ngoài căn bệnh lị, một bệnh mạn tính, kinh niên về đường ruột.
“Năm thứ ba mươi sáu (1883), [Trần] Tiễn Thành vì già ốm tâu nói: “Bệnh tình của thần liên miên ngày tháng, xin trả hạn để chữa thuốc đã đến hai, ba lần, gần đây lại phát, tăng giảm không thường, liệu không phải hàng tuần đã khỏi… […] … Vả công thự không phải là nơi dưỡng bệnh, nằm lâu sợ người ta nói. Nếu tạm về nhà, thời xa cách việc cơ mật, lòng rất không yên, đương lúc sự cớ ấy vẫn thấy nhà vua quên ăn trễ ngủ. Thần, tấm thân dẫu mắc bệnh, bụng thường lo giấu, còn một hơi thở cũng không dám chút trễ nãi… […] … Chỉ vì thần đã tới niên lệ, vừa gặp việc cơ mật bề bộn, chưa dám viện lệ xin [về nghỉ hưu], thời kẻ chê [là] người luyến sạn (sách Tấn thư: ngựa hèn còn luyến hột đậu ở chuồng) có ngại cho người hiền; lại nhân vừa nghỉ bệnh, thời người cho là thấy [thời thế] khó, thoái thác cáo ốm. Chúng khẩu [:miệng lắm người] còn nóng hổi chồng chất bời bời những lời chê bai. Thần đương ốm trong tâm rất là đau khổ… […] … Tâm của thần, bệnh của thần bậc đại thần ở triều đều biết rõ đã lâu. Thần lòng lại hỏi lòng, duy có mặc [kệ] họ, mình chỉ một niềm thôi… […] …” (211) .
Vua Tự Đức đã châu phê vào tờ sớ:
“Bệnh của khanh là lão bệnh. Ta đã hỏi thầy thuốc, họ nói: “không ngại”. Vậy cứ yên tâm ở thự, đợi khỏi, vào chầu nghe việc cơ mật, bất tất phải nghỉ hạn ở ngoài, xa cách bất tiện” (211) .
Đối với thượng thư Nguyễn Văn Tường, sau Vũ Trọng Bình, chính Trần Tiễn Thành là người không phải không có ân nghĩa với ông.
“Năm thứ hai mươi sáu (1873), Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình kế tiếp nhau thất thủ. Khi Nguyễn Văn Tường tới Hà Nội giảng giải thu về bốn tỉnh, vua cho Văn Tường là do Trần Tiễn Thành đề cử lên mới được biết, xuống dụ rằng: “[Nguyễn] Văn Tường cùng với trẫm được tri ngộ, dẫu do từ khi làm huyện lệnh ở Thành Hoá mà mới biết tiếng thôi, nhưng phần nhiều do Trần Tiễn Thành cử ra, nhân đó mới dần tiến lên. Nếu cho là vô tri, theo lệ sống lâu nên lão, thời truy nguyên ra, việc thưởng nên thôi ư! Vậy thưởng [từ] thụ hiệp biện, [được thăng] tiến thự Văn minh điện đại học sĩ, còn hàm vẫn như cũ. Đó là [do] biết tiến [cử] người hiền nên được thượng thưởng”. Khi vào triều kiến thường được ưu lễ, gọi là Trần khanh mà không gọi tên” (212) .
Nhưng thật sự chính kiến hai người vẫn khác nhau xa, và càng lúc càng khác. Trần Tiễn Thành chỉ chuyên một đường lối chủ “hoà”, dần dần buông xuôi, những năm về sau này, lại gần như đầu hàng, thoả hiệp. Nguyễn Văn Tường chỉ xem hoà là cơ nghi và hoà phải đi đôi với thủ để cuối cùng phải chiến.
Quả thật như thế, trong những năm về sau gần đây, tình hình không thể “hoà” được nữa, nhưng Trần Tiễn Thành vẫn cứ “hoà”! Mâu thuẫn nẩy sinh trong tâm trạng đại thần Viện – Bạc Nguyễn Văn Tường là một bên, việc hệ trọng mất còn của Đất nước, và một bên khác, ấy là ân nghĩa tiến cử cũ (mặc dù Trần Tiễn Thành tự nguyện tiến cử theo lệnh dụ của vua, theo phương châm “tiến cử người hiền, sẽ được thưởng hậu; che giấu người hiền, sẽ bị giết”) ! Vận mệnh Tổ quốc và chút ân nghĩa tiến cử cũ: Bên nào nặng? Bên nào nhẹ? Đó là chưa đặt lên bàn cân việc Trần Tiễn Thành lại nhận sự tác động bởi De Champeaux để đẩy Nguyễn Văn Tường khỏi Nha Thương bạc…
Triều thần, thời điểm lịch sử này, không ngớt chỉ trích đường lối chủ “hoà” của Trần Tiễn Thành, nhất là quá trình hơn mười năm đứng đầu Bộ Binh của một Đất nước đang chống ngoại xâm, ông ta lại để quân binh trì trệ, vũ khí lạc hậu, đến nỗi vua cũng nhiều lần trách cứ! Thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết luôn chỉ trích Trần Tiễn Thành: Với quyền lực nắm trong tay, ở vị trí đại thần số một, chỉ dưới mỗi một mình vua, lại được vua Tự Đức quá tin cậy đến mức khó hiểu, Trần Tiễn Thành muốn khuynh loát tất cả, nhưng ông ta lại để tình trạng Bộ Binh như thế là không thể tha thứ được! Nếu không có thượng thư Bộ Hộ sung đại thần Viện – Bạc, một người có uy tín và ảnh hưởng nhất trong triều thần, thì tình trạng Bộ Binh còn suy bại đến mức nào! Ý kiến ở Viện – Bạc, ở các cuộc đình nghị là ý kiến chung về lãnh đạo, về chủ trương, chính sách, về cách giải quyết các trường hợp cụ thể khó giải quyết ở cấp tỉnh, huyện, nhưng trực tiếp nắm giữ, thực thi, đốc suất công việc Bộ Binh, Trần Tiễn Thành không thể đổ lỗi cho ai khác!
Rõ ràng không thể không nẩy sinh mâu thuẫn, và mâu thuẫn không thể không bị tình thế đẩy đến đỉnh điểm của nó! Biết làm thế nào được! Không có một tình huống nào thật sự hoàn toàn thuận lợi, nữa là ở thời đoạn lịch sử bi tráng này!

21

Tháng ba nguyệt lịch năm Tự Đức thứ ba mươi sáu, Quý mùi (1883), tình thế lại im ắng trong căng thẳng, cường độ căng thẳng mỗi lúc mỗi tăng lên. Nắng mùa hè vẫn sôi bỏng trong không khí.
Viện – Bạc và nhà vua không thể không dùng một từ xem ra còn nhẹ nhàng, nếu so với từ “phản quốc” đích đáng, để giành cho nhân cách, tâm địa của linh mục xứ Phát Diệm, Ninh Bình Trần Lục (213), hay thường gọi là cha Sáu, cụ Sáu. Y là một cốc nước bẩn nhưng vẫn phần nào vẫn còn là nước. Lần này, y rặt là phản quốc. Linh mục Trần Lục ấy đệ thư đến quan tỉnh Thanh Hoá, xin theo ý phái viên Pháp bãi bỏ tuần ti ở cửa tuần Chính Đại! Chả là trong thời gian Pháp bộc lộ dã tâm xâm lược Bắc Kì lần thứ hai, và tên Nguyễn Hữu Độ tấu trình theo ý Pháp bằng giọng lưỡi quan tâm đến việc nước một cách giả dối, do đó triều đình ít nhiều nhân nhượng cho triệt bỏ một số tuần ti trong phạm vi Bắc Kì. Pháp vốn muốn những tuần ti của ta không còn tồn tại để chúng tha hồ thao túng về thương mại và tự tiện thu thuế thương chính. Nay Trần Lục lại muốn lấn sang Trung Kì cho thực dân Pháp. Lệnh dụ vạch mặt linh mục Trần Lục phải ban ra: “Tỉnh Thanh Hoá không thuộc về Bắc Kì, đấy là Trần Lục nịnh hót mà chỉ [bày cho Pháp]. [Trẫm] sai [Phan] Đình Bình bắt Trần Lục nói với phái viên nước Pháp phải thôi” (213) .
Sự kiện vẫn còn gây xáo động tình hình Bắc Kì trong thời điểm căng thẳng này, đó là việc quân Thanh đưa ”quân sang nhưng không động tĩnh”. “[Đường] Cảnh Tùng tháng chạp năm ngoái, tự kinh [đô] về Hải Phòng, lại đi [đường] bộ đến các tỉnh Bắc Kì, tra xét tình hình biên giới, đến nay cáo từ về nước” (214) . Theo lời tâu của thống đốc Hoàng Tá Viêm, khi với y “cùng nhau bàn luận, thấy có nghĩa phẫn lắm, bàn việc quân rất là có lí, lại thêm Lưu Vĩnh Phúc là người cùng làng với viên ấy, rất là kính trọng. Nếu được viên ấy ở lại đấy, tự khắc mọi việc làm chóng xong” . Về “sau triều đình nước Thanh chuẩn y cho” Đường Cảnh Tùng phụ giúp cho Hoàng Tá Viêm (214). Nhưng thật tâm, Viện – Bạc và nhà vua không tin cậy vào tình hữu nghị trong sáng, “nghĩa phẫn” của họ Đường, cũng như Từ Diên Húc, vì hành tung của họ trên nước ta, mặc dù cũng chưa thấy có biểu hiện gì là lộng hành, xâm lược. Có người bấy giờ đã nói: Chính tiến sĩ Đường Cảnh Tùng đã bí mật bàn với Lưu Vĩnh Phúc, khuyên tướng Cờ Đen họ Lưu nên nhân cơ hội Đại Nam suy trầm này mà ám sát Hoàng Tá Viêm, khởi binh, và lên ngôi An Nam quốc vương! Lưu khẳng khái từ chối đề nghị của Đường Cảnh Tùng (215)! Đấy là sự thật hay kế li gián? Không rõ! Kinh nghiệm lịch sử mấy nghìn năm nay cho thấy đã nhiều lần quân liên minh cứu viện bỗng lộ mặt xâm lược. Tuy nhiên, lần này chưa rõ. Triều đình Đại Nam ta chưa biết đến tập sớ của tổng đốc Quảng Đông Trương Thụ Thanh đệ trình lên vua Quang Tự nhà Thanh hồi tháng bảy nguyệt lịch Nhâm ngọ (1882) (140)! Cũng như hai thượng thư Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, các quan quân thứ, quan tỉnh Bắc Kì đều nghĩ: Giá như triều đình nhà Thanh cho ta mượn quân có trang bị, tiếp viện súng đạn (họ trao hết cho Hoàng Tá Viêm, cho các tướng Đại Nam ta chỉ huy số quân Thanh đó, với quân luật triều Thanh), thì hiệu quả hơn, và ta yên tâm biết mấy! Nghĩ là nghĩ vậy, ai cũng biết đây là một thế trận buộc phải chấp nhận vận dụng vào thực tế, một khi đã gần như bế tắc. Nếu bị tình thế đẩy đến cùng, ta sẽ chủ động cho thế trận liên minh, đối trọng ấy trở thành “toạ sơn quan song hổ đấu” !…
Trong khi đó, kho gạo ở kinh đô chưa thật thừa thãi để dự bị chiến tranh, nên Bộ Hộ của thượng thư Nguyễn Văn Tường đành xin cấp tiền thay vì tiêu chuẩn gạo lương cho quan chức, hoàng thân, tôn thất (216).
Tháng tư Quý mùi (1883) lại đến.
Ở kinh đô Huế, “Nha Hải phòng kinh kì tâu xin cắm liền hàng rào bằng gỗ và lấp bằng sọt đá ở cửa hàng rào Lộ Châu” (217) để đề phòng Pháp tấn công vào trung tâm thần kinh của Đất nước.
Ở Bắc Kì, hai tên tướng phỉ, Phạm Văn Khoả và Nguyễn Văn Câu, người huyện Đông Anh, tỉnh Bắc Ninh bị sa lưới. Với tội phản quốc, câu kết bè lũ, tự xưng ngũ quân đại nguyên soái, điệu bát, lại cướp của, dán bích chương ở các xã thôn, tống tiền và đòi nộp thuốc súng, đạn dược trước đây, nay chúng bị bắt được, không thể tránh khỏi tử hình (218). Đó là bọn phỉ quấy rối, nổi loạn thật sự, không hề đụng đến một chiếc lông chân của bọn Pháp viễn chinh, cố đạo thực dân mà chỉ cướp bóc nhân dân, và nhắm đánh vào quan quân triều đình. Cùng với chiến công dẹp phỉ ấy của tỉnh Bắc Ninh, một tướng phỉ Tàu khác, tên là Dương Đại Gia Hoả, bị quân Thanh bắn rớt từ sườn núi xuống vực (219).
Công việc dẹp phỉ vẫn còn phải tốn ít nhiều tâm sức nhưng không nghiêm trọng như những năm giặc Cờ, thổ phỉ tràn lan về trước. Thống đốc Hoàng Tá Viêm dâng sớ xin khoan hồng cho tù phạm Hưng Hoá để giúp chúng cải tà quy chính, sử dụng họ vào việc tiễu phỉ. Vua Tự Đức dẫu đang bệnh, vẫn châu phê: “Quân cảm tử, phần nhiều ở trong tù phạm. [Hãy] chọn lấy kẻ dũng cảm. [Vấn đề] chỉ ở tướng khéo khuyên dùng mà thôi” (220) .
Bắc Kì, cái nôi sinh tụ đầu tiên của dân tộc ta, nơi mỗi tấc đất đều ghi những chiến công chống ngoại xâm oanh liệt! Chính những người dân Nam Đàng Ngoài, Bắc Đàng Trong cũng mang dòng máu quật cường ấy tiến vào mở đất vào phương nam. Thế mà, sau hai trăm năm chia cắt thời Trịnh – Nguyễn, và kể xa hơn, sau mấy trăm năm, nói như vua Tự Đức, là “vì phong tục không chính, mà tiêm nhiễm đã lâu nên mới đến thế. Không thế, thì người đời xưa dùng để đánh quân Nguyên, quân Minh là dùng dân nào?” (205). Tiêm nhiễm phong tục nào vậy? Hãy hỏi linh mục Trần Lục và những tên tướng phỉ như Tạ Văn Phụng, Hồ Văn Vạn, những Tịch, Trận, Khoả, Câu và những tên giặc Cờ, giặc trốn nước Thanh, thuỷ khấu cướp bóc theo mùa, hải tặc các quốc tịch…
“Tả đạo”, phỉ ta, phỉ Tàu cùng nguy cơ đói kém khá kinh niên, cứ trở đi, trở lại, là những gì tạo nên một phần không khí căng thẳng ở Bắc Kì và cả nước. Nhưng dẫu sao, nguy cơ giặc Pháp mới là trực tiếp và nguy hiểm nhất. Phần lớn nhân dân Bắc Kì đang sục sôi căm uất. Không chỉ ba vạn người dân mà gấp mười lần như thế đang sẵn sàng hỗ trợ quan quân triều đình để quyết chiến với Pháp. Nhưng lạ thay, hẳn do hậu quả hai trăm năm chia cắt và “phong tục” kia chi phối, nên chưa thấy những lực lượng dân quân, hương binh tự khởi phát đánh Pháp, trong thời đoạn sắc dụ đã ban ra: “Quan quân thứ, quan tỉnh các ngươi nên cố gắng nhiều hơn, một lòng, hết sức, giết bọn giặc, bắt tướng giặc, cốt cho nước ta được yên mà oai nước được mạnh”; “nên cố gắng hơn lên, đốc sức binh dũng, cốt phải đại thắng, cho chúng sợ không dám hành động”; “một đạo Sơn Tây cũng nên hợp sức cố đánh, bày mưu đánh cho được, cốt chóng thành công cho đỡ lo nghĩ ngày đêm”; “Ninh Bình là chỗ cổ họng, quan hệ không phải là ít,… […] …, các ngươi khéo dùng thổ dũng, dân binh, hết lòng phòng bị trước cho mười phần vững chắc…”; “còn ngoài ra, ai có mưu kế hay, [luyện] binh tinh nhuệ, đánh tất thắng, giữ thành tất vững, đều cho các quan quân thứ, quan tỉnh hết lòng mà làm…” (199) .
Trong lúc đó, cũng tháng tư Quý mùi (1883), tên nhà văn khá nổi tiếng ở nước Pháp, đang lộ nguyên hình là một tên xâm lược tàn ác và đốn mạt, với chức vụ cai quản lực lượng sư đoàn thuỷ binh viễn chinh Pháp, tên là Vy Ê hay Lý Hoa Lợi (Henry Rivière), “uỷ phái viên đem bán gạo chứa ở Cục Chiêu thương Hải Dương và thu các thuế xuất nhập cảng, thuế thuốc phiện và gạo” (221) ! Bọn thực dân Pháp ở “tàu Pháp kiểm soát, đuổi phái viên [cuả ta], ngồi thu thuế quan Mễ Sở, tỉnh Hưng Yên” (222) !
Henry Rivière và bọn Pháp viễn chinh ngang ngược đến thế là cùng!

22

Trung tuần tháng tư Nam lịch, Quý mùi (1883), vào lúc sáng sớm ngày mười ba (19.05.1883), Henry Rivière liền bí mật ra lệnh xuất quân sau khi đã bí mật ra lệnh cho hậu cần phân phát khẩu phần có thịt tươi và rượu cho quân viễn chinh Pháp (223). Với thịt tươi và những li rượu nồng độ cao, bọn lính hăng máu hẳn lên. Chúng nai nịt, mang súng đạn cùng sư đoàn trưởng thuỷ quân lục chiến Henry Rivière hành quân thật im lặng về phía phủ Hoài Đức, nơi các quân thứ Sơn Tây và đoàn quân Lưu Vĩnh Phúc đã kéo về trấn đóng mấy hôm rồi. Henry Rivière rất căm hận thống đốc họ Hoàng và quyết lần này sẽ lấy đầu họ Lưu để trả thù cho Françis Garnier, một tên đại uý nhãi nhép vốn chẳng ra gì, nhưng nhờ sự tuyên truyền, y trở thành anh hùng ở Pháp!
Trong bóng tối chưa hé một tia nắng hừng đông, lượng rượu cồn đổ vào người (hẳn có thêm chất kích động) khiến bọn lính Pháp thấy ngứa ngáy ở ngón tay bóp cò súng. Chúng đang thèm nghe tiếng nổ, thèm thấy máu trào và những thây người ngã xuống, bất kể là dân lành hay lính triều đình Đại Nam.
Henry Rivière không uống rượu, nhưng y căm giận vì những lời nhục mạ, sỉ vả mà những toán quân của Lưu Vĩnh Phúc tạt vào hai chiếc tai của y từ hôm trước. Bấy giờ, y cố bình tĩnh nén giận, không vội kéo quân ra như Françis Garnier. Henry Rivière đã có trong tay một bọn “tả đạo” người bản xứ, vốn được giám mục Puginier bí mật giới thiệu một cách tin cẩn. Y bình tĩnh cho bọn ấy đi do thám tình hình đóng quân của quân ta. Và y vạch kế hoạch đánh úp.
Hôm nay, Henry Rivière tự nhủ, như đã ra quân lệnh hồi khuya, phải tiêu diệt quân Đại Nam khiêu khích đang ngủ vùi ở phủ Hoài Đức.
Khi chưa đến phủ Hoài Đức, mới vừa ra khỏi Cầu Giấy một đoạn, ở phía tây, ngoài cửa ô La Thành, y hoảng hốt khi nghe tiếng hô xung phong phía sau lưng, và từ trong những đám cỏ, sau gốc cây, bờ ruộng hai bên khúc đường mới bước qua, bóng lính dưới quyền chỉ huy của Lưu Vĩnh Phúc ào tới, nổ súng bắn chéo và xông vào đánh giáp lá cà.
Những toán quân gồm sáu trăm (600) tên Pháp cũng phản phục kích một cách có bài bản, chứng tỏ chúng là một đoàn quân đã được huấn luyện kĩ càng và dạn dày chiến trận.
Cánh bên phía trái, quân đoàn luyện của tướng họ Lưu do Dương Trứ Ân chỉ huy. Nhưng tiếc thay, sau khoảng mấy chục phút đầu vùng dậy đánh mãnh liệt, bắn hạ và chém được nhiều tên địch, Dương Trứ Ân bị trúng thương, hi sinh ngay tại trận địa (223). Cánh quân đoàn luyện này vẫn tiếp tục chiến đấu. Giặc ở xa, họ nổ súng. Giặc ở gần hoặc chúng tiến đến gần, họ vung đao, kiếm và dao ngắn.
Cánh quân phía bên phải, do Ngô Phượng Điển chỉ huy. Sau loạt súng phối hợp với cánh quân bên trái, bắn chéo vào giặc Pháp, thấy chúng ngã xuống vì trúng đạn và ngã xuống bò toài trên mặt đất để tránh đạn, rồi chúng nhanh chóng phản phục kích bằng những loạt súng liên thanh, Ngô Phượng Điển lập tức ra hiệu lệnh cho toán quân tiền khu xung kích. Những toán quân còn lại vẫn mai phục, bắn yểm trợ cho toán xung kích kia. Lúc này, mặt trời đã sáng rõ. Ông lại cầm súng ngắn đứng dậy, phất tay cho đợt tấn công thứ hai. Ông khom người chạy bên viên lính thổi kèn thúc quân kiểu Anh. Bỗng Ngô Phượng Điển ôm lấy bắp chân. Máu tứa ra ở các kẽ ngón tay. Ông ngã xuống. Thấy viên chỉ huy họ Ngô đã trúng thương, hai cánh quân, cũng ít nhiều đã bị thương tổn, vội lùi lại cố thủ (223).
Đang nằm trên một nóc nhà ngói quan sát trận địa, Lưu Vĩnh Phúc liền phất tay và nhảy xuống. Đã được mật bàn trước, Hoàng Thủ Trung cũng lập tức ra hiệu lệnh cho đội quân của ông (223).
Hai cánh quân do họ Lưu, họ Hoàng trực tiếp chỉ huy cùng hai ông xông ra giữa trận đạn của giặc Pháp, với các thế bò, toài, đi khom tuỳ theo địa hình, địa vật. Những hào giao thông đã được đào sẵn. Những đụn rơm, gốc cây, ụ đất đã bố trí sẵn. Những luống khoai, vồng sắn cũng được tận dụng. Lưu Vĩnh Phúc đã cùng thống đốc Hoàng Tá Viêm đã nghiên cứu kĩ trận địa mai phục.
Henry Rivière và sáu trăm tên Pháp bỏ chạy tán loạn. Đội kị binh lập tức đuổi theo.
Những tên lính Pháp mắt xanh mũi lõ ngã xuống dưới những phát súng nổ từ đằng sau lưng chúng hay bởi những thanh đại đao, mã tấu chém tới lúc chúng đang bỏ chạy. Henry Rivière đã nhanh tay lột quân hàm đại tá để lẩn vào bọn lính Pháp, nhưng Lưu Vĩnh Phúc đã chú ý đến y từ lâu với một đặc điểm trên người y mà họ Lưu cố nhớ.
Vó ngựa của Lưu Vĩnh Phúc chồm lên con ngựa Henry Rivière đang cỡi. Tiếng ngựa của Henry Rivière hí hãi hùng, bỏ chạy, để cái xác không đầu ngã xuống cách chỗ chiếc đầu tóc râu vàng hoe đã rơi khoảng mươi thước.
Ngỡ như cái chết của Françis Garnier được lặp lại, nhưng xem ra, cái chết đáng đời của Henry Rivière vẫn ngoạn mục hơn.
Ngoài ra, một quan hai, một quan ba Pháp cũng bỏ mạng tại trận cùng hai mươi (20) tên lính Pháp khác, và sáu mươi (60) tên Pháp khác nữa bị trọng thương cùng nhiều tên bị thương nhẹ. Những tên Pháp lem luốc bụi đất, máu me, khói thuốc súng kéo nhau, bồng bế, khiêng vác nhau bỏ chạy một cách thê thảm (223)…
Thống đốc Hoàng Tá Viêm trầm tĩnh cười thật hả dạ khi quan sát từ đầu đến cuối cuộc phục kích lớn. Ông đã quyết tâm thực hiện lệnh dụ “một lòng, hết sức, giết bọn giặc, bắt tướng giặc, cốt cho nước ta được yên mà oai nước được mạnh” ! Và Lưu Vĩnh Phúc vẫn là một dũng tướng, một “hiệp sĩ phi chính phủ, hành đạo trừ tà” . Ông chỉ cãi lệnh dụ là không ra lệnh bắt sống Henry Rivière, mà đã bảo Lưu Vĩnh Phúc phải chém ngay, giữ đầu và xác của hắn làm “con tin”.
Tin báo tiệp bay nhanh tên lưng ngựa trạm để vào kinh đô Huế.
Cả triều đình, thần dân và nhà vua phấn khởi như chưa bao giờ phấn khởi đến thế!
Sắc dụ ban thưởng tức khắc: Liệt sĩ tử trận Dương Trứ Ân được truy phong tuyên uý phó sứ, gia tặng hàm lãnh binh quan; Lưu Vĩnh Phúc thăng thụ đề đốc với áo mão chánh nhị phẩm; Hoàng Thủ Trung thăng thụ tuyên uý sứ với bậc hàm tòng tứ phẩm, lãnh chức lãnh binh quan; Ngô Phượng Điển được thăng chính thức tuyên uý phó sứ lãnh chức phó lãnh binh quan với sâm quế thuốc thang điều trị; và tất cả quân binh, kể cả thống đốc Hoàng Tá Viêm đều được thăng chức, thưởng tiền, hoặc khai phục chức tước bị cách trước đó. Nhưng không có vinh quang nào bằng là họ tự biết chiến công này sẽ mãi mãi được ghi lại trong sử sách, và trước mắt, khiến kẻ thù là giặc Pháp, kể cả bọn thực dân đầu não, chóp bu tận nước Pháp, phải thêm một phen rúng động, hãi hùng và hằn học, thù hận một cách vô lí, vô đạo (223).
Bấy giờ, tại kinh đô Huế, Sứ quán Pháp đã đóng cửa, vắng hoe, im lìm. Lãnh sự Pháp tại Hà Nội đệ thư đến quân thứ Sơn Tây, xin trao trả xác chưởng thuỷ sư Henry Rivière và hai tên quan hai, quan ba Pháp. Tập tâu vào kinh, vua Tự Đức bảo: “Không cho! [Hãy] sai quân thứ Sơn Tây tạm chôn, đợi xét” (223) .

Hết tệp 5 truyện kí 9

Viết đến dòng chữ này vào lúc 16 giờ 26 phút,
ngày 29.12.2002 (26.11 Nh. ngọ, HB.2),
tại thành phố Hồ Chí Minh
.

TRẦN XUÂN AN


(188) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 177.

(189) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 177.

(190) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 178.

(191) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 178.

(192) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 192.

(193) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 179.

(194) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 180 – 181.

(195) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 159.

(196) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 533.

(197) Y. Tsuboi trích dẫn Bùi Quang Tung, NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 300. Không rõ Bùi Quang Tung căn cứ vào tư liệu nào, và tư liệu ấy có đáng được tin cậy hay không, để viết như thế. Dẫu sao, tôi vẫn xem chi tiết về bệnh và cái chết vua Tự Đức, theo Bùi Quang Tung, như chất liệu tiểu thuyết, có thể sử dụng được ở chừng mức nào đó trong thể truyện kí lịch sử, với chú thích rõ ràng, cẩn trọng (mạn phép xem đây là trường hợp đơn cử).

(198) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 181.

(199) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 181 – 182.

(200) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 182.

(201) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 183.

(202) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 183.

(203) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 182 – 183.

(204) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 184.

(205) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 153 – 154.

(206) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 185.

(207) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 185 – 186.

(208) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 187.

(209) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 187 – 188.

(210) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 161 – 162.

(211) ĐNLT., tập 4, sđd., tr. 169 – 170.

(212) ĐNLT., tập 4, sđd., tr. 167.

(213) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 188.

(214) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 190.

(215) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 402 – 403.

(216) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 189 – 190.

(217) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 192.

(218) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 190.

(219) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 190 – 191.

(220) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 191.

(221) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 191.

(222) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 192.

(223) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 192 – 194. Xem thêm: CXL., Nxb. Tp. HCM. tái bản, sđd., 2001, tr. 404 – 409.

Chú thích xong lúc 08 giờ ngày 14.02.2002
(13.01 Quý mùi, năm thứ hai công nguyên Hòa Bình [:HB.2])
.

TRẦN XUÂN AN


Hết tệp 5
(phân đoạn 5, truyện kí 9)

Xin xem tiếp tệp 6
(phân đoạn 6, truyện kí 9)
thuộc TẬP III bộ sách “PCĐT. NVT.”.

0 Comments:

Post a Comment

<< Home