TRAN XUAN AN - PCDT NGUYEN VAN TUONG (tap III A)

Saturday, December 17, 2005

PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (tập III A 3)

Tệp 3 – Tập III Blog A
(PHÂN ĐOẠN 3 TRUYỆN KÍ THỨ 9)


TRẦN XUÂN AN

BẮC KÌ, TƯỞNG CHỪNG LẶP LẠI


Truyện kí thứ chín
(phân đoạn 3)

8

Bọn Pháp ngày càng ngang ngược, tự tiện đi thăm dò các mỏ khoảng sản. Trong tháng giêng Nhâm ngọ (1882), “tàu nước Pháp đến cửa biển Lục Hải tỉnh Quảng Yên, tìm lấy than mỏ ở Hà Lầm” (75), “thuyền của hai phái viên nước Pháp đến Bình Định, Phú Yên khám đo cửa biển và vẽ đồ bản” (76) . Những tập tâu từ các tỉnh đệ gửi về Viện Cơ mật – Thương bạc, khiến hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Văn Tường không khỏi bực bội. Bọn Pháp đang lộng hành, xem nước ta như chỗ không người, không chỉ ở Nam Kì, đã đành đoạn bởi “hoà” ước, mà còn ở Bắc Kì và cả Trung Kì!
Tháng hai nguyệt lịch, ngày đinh tị, trời đất bỗng tối sầm.
Nhật thực (77)!
Năm Tân tị (1881) vừa rồi, sao chổi nhiều lần mọc rồi lặn. Năm nay lại nhật thực! Bao người dân mê tín, không hiểu hiện tượng thiên nhiên, đâm ra hoang mang, lo lắng, và có cả sự mê tín ngược lại, sao chổi sẽ quét sạch bọn Pháp khỏi nước ta, và nhật thực là ý trời nhắc nhở lòng người lo giữ thiên lương.
Tháng hai này, ba linh mục Pháp lại sang “giảng đạo” ở một loạt tỉnh, từ nam tả kì đến Bắc Kì: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hoà, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Hà Nội, Ninh Bình, Sơn Tây, Hưng Hoá, Tuyên Quang, Thanh Hoá, Nam Định (78)! Lại còn có cả “tàu thuỷ nước Xích Mao [:Hồng Mao: Anh] đến cửa biển Cầu Mông [:Cù Mông, tỉnh Khánh Hoà] dò xét, đo đạc, vẽ địa đồ” (79) !
Lãnh sự Y Pha Nho (Tây Ban Nha) tại Gia Định thuộc Pháp lại đệ thư tâu xin được tặng kim tiền có dây buông xuống (80), trong khi thương ước đã kí kết vẫn không tiến hành trong thực tế, khoản tiền “bồi thường chiến phí” ta đã điều đình, nhưng họ vẫn không trả lời. Phải chăng họ đề nghị được tặng kim tiền có dây buông, vốn là một thứ kỉ niệm chương dùng để tưởng thưởng, nhằm đối phó với ai đó? Nhưng lãnh sự Y Pha Nho ấy đâu phải lãnh sự quan hệ với triều đình Đại Nam! Bọn Pháp đang mua chuộc viên lãnh sự Y Pha Nho, đang giở trò ma mị gì đây?
Mối quan hệ Đại Nam và Xiêm La (Thái Lan), sau chuyến đi sứ của Nguyễn Hiệp (Nguyễn Trọng Biện) trước đây, vốn đã bị lãnh sự Pháp tại Xiêm gây khó dễ một cách vô lí. Ngay cả việc hoàng gia Xiêm muốn cử sứ sang nước ta đáp lễ, tướng Pháp ở Gia Định cũng ngăn trở. Viện – Bạc đã phải vin vào điều khoản III của “hoà” ước Giáp tuất, viết thư đấu tranh, biện thuyết với tên tướng Pháp ấy. Đến nay, cuối tháng hai Nhâm ngọ (1881) này, Xiêm La mới phải thuê chính tàu của Pháp chở phẩm vật sang đáp tạ (81)!
Thượng thư Nguyễn Văn Tường hơi yên tâm khi biết quan Bộ Binh Tôn Thất Thuyết đang ra sức chỉ đạo huấn luyện biền binh, rất nhiệt thành trong việc tổ chức phòng thủ ở cửa biển Thuận An và các đồn từ cửa biển ấy ngược lên theo dòng sông Hương: Trấn Hải, Hoà Duân, Hạp Châu, Hy Du, Hải Trình, Lộ Châu, Thuỷ Tú, Triều Sơn… Trong đó, có cả việc xây dựng hải đăng, “đặt đèn hiệu ở địa phận hai xã Thuận Hoà, Quy Lai (thuộc Thừa Thiên) để cho thuyền quan quân đi đêm nhận nhớ đường đi” (82) .
Đó là những gì Tôn Thất Thuyết đang nỗ lực thực hiện trong khi Pháp đang mỗi lúc mỗi tăng thêm sự ngược ngạo!
Nhưng sự ngược ngạo của Pháp gây rúng động, phẫn nộ nhất không phải chỉ thế! Chúng đã quyết bộc lộ trắng trợn ý đồ xé bỏ “hoà” ước và thương ước Giáp tuất 1874!
Cũng thượng tuần tháng hai Nhâm ngọ (1882) ấy, “tướng nước Pháp phái tàu binh đến Bắc Kì, nói phao là để đuổi quân Lưu Vĩnh Phúc và bảo vệ việc thông thương. [Lãnh sự khâm phái nước ta tại Gia Định là] Nguyễn Lập, mật đem việc ấy tâu lên vua. Vua cho là phái viên nước Pháp muốn lấy Bắc Kì, chỉ mượn tiếng là để đuổi đoàn quân Lưu Vĩnh Phúc, ý sâu xa thực không thể lường trước được; về [phía] ta cũng nên phòng bị trước. Vua sai mật sao tờ tư của Nguyễn Lập phát giao cho các tỉnh ([…]) đều biết” (83) .
Chiến thuật đối phó vẫn là phòng thủ theo kiểu hư binh, nhưng nếu cần, phải nổ súng: “Phàm việc cần phải làm cho khéo, chớ nên làm có thanh tích [thanh: tiếng tăm; tích: dấu vết]. Nếu có thể ngầm tiêu, lặng đổi được, cố nhiên là tốt. Nếu chúng dám ngang trái, việc đến nơi, bất đắc dĩ, cho đều tuỳ việc nên làm, để hết trách nhiệm giữ đất đai” (83) .
Mấy hôm sau, thượng thư Tôn Thất Thuyết với nét mặt rất căm giận, đến tìm gặp thượng thư Nguyễn Văn Tường tại công đường. Ngồi xuống ghế trường kỉ, nhấp một ngụm trà nóng, ông nói:
- Bọn Pháp quyết đánh ta! – Ông cau mày, lắc đầu, tỏ vẻ bực bội, uất ức và có chút gì ngán ngẩm –. Nhưng đức vua vẫn nhân nhượng việc chúng đòi hỏi là đuổi Lưu Vĩnh Phúc, nhằm “khỏi để cho chúng vin cớ để nói” (83) !
Một thoáng im lặng khá lâu, thượng thư Nguyễn Văn Tường cố giữ vẻ thật điềm tĩnh, chậm rãi đến án thư, lấy bản sao sắc dụ, trở về ngồi ở trường kỉ. Ông chỉ tay vào những dòng chữ và đọc:
- Chắc quan Bộ Binh đã đọc kĩ hơn tôi. Đây, ý nhà vua thế này: “Vả lại làm như thế, thông thuyết cho nước ấy rút lui yên ổn thì thôi. Nếu vượt qua [giới hạn], cố ý sinh sự, thì cho hai bên đều tự làm việc” (83) . Tôi biết, ý nhà vua muốn để bọn Pháp và quân Lưu Vĩnh Phúc đương đầu với nhau. Thật ra, đây là thế trận tôi rất tâm đắc, nhưng vận dụng thế này, rất áy náy cho Lưu Vĩnh Phúc… Nhưng từ rất lâu rồi, Lưu Vĩnh Phúc là “hiệp sĩ phi chính phủ, hành đạo trừ tà”, triều đình chỉ luôn luôn ngầm ủng hộ Lưu Vĩnh Phúc, nhất là khi cần thiết. Nhà vua cũng đã tham khảo ý Viện Cơ mật – Thương bạc, tôi cũng đành phải đồng ý như những dòng chữ này: “Về [phía] ta, chiểu địa phận tự giữ, không nên can thiệp, đợi khi việc đến nơi, sự thể thế nào, có nên làm thì sẽ làm. Nhưng đó cũng là việc bất đắc dĩ. Nếu làm cho hai bên đều bằng lòng ít việc thì hơn” (83) . Bởi lẽ, nhà vua vẫn muốn “dĩ hoà vi quý”, mặc dù “hoà” trong thế phải nhân nhượng!
- Nhưng “cây muốn lặng gió chẳng ngừng”!
- Tôi nghiên cứu hết Bắc sử (sử Trung Hoa), Nam sử (sử Đại Nam từ cổ đến kim)… Trong lịch sử nước Nam ta và lịch sử các nước lân bang quanh ta, đây là giai đoạn suy trầm đau xót nhất. Không phải nước ta phải đối phó với một nước, cho dù đó là nước đông dân, rộng đất nhất mà ta phải thường xuyên đối đầu là Trung Hoa. Mấy mươi năm nay, thật ra hàng trăm năm nay, các nước da trắng Âu Mỹ liên minh, cấu kết với nhau đi hiếp đáp, cướp bóc các lục địa Á, Phi, Mỹ và cả châu Úc (châu Đại Dương)… Chúng ganh ghét nhau, nhưng chia chác với nhau như một bầy chó sói trước bầy nai… Ta đánh được Pháp là khó, nhưng nếu Pháp bại, sẽ có thằng giặc khác nhảy vào, như Đức, Nga, Mỹ, chẳng hạn. Trong tình thế chung như vậy, chỉ có cách các nước Á, Phi, Nam Mỹ, các nước châu Úc liên minh lại để cùng giúp nhau canh tân, chế ra súng ống tối tân như bọn da trắng, luyện tập kĩ thuật quân sự hiện đại… Nhưng mọi cố gắng liên minh của ta, Pháp đều ngáng trở, phá tan, li gián! Canh tân lại cũng bị chúng ngăn chận. – Thượng thư Nguyễn Văn Tường nói –. Nhưng theo tôi, phải làm hết sức mình với nỗ lực cuối cùng, về ngoại giao, về canh tân, về quân binh, cho đến khi sức cùng lực kiệt, để hết trách nhiệm gìn giữ đất đai bờ cõi.
- Tôi cũng đang làm hết sức mình như quan Bộ Hộ vậy. Nhưng quả thật, đúng như quan Bộ Hộ nói hôm nọ, đường lối của đức vua, “hoà” hay chiến vẫn chưa xác định rõ! Và thật ra, thượng thư Trần Tiễn Thành vẫn đang giữ chức quản lí sự vụ Bộ Binh. Mặc dù tôi đã là thự thượng thư Bộ Binh, tôi vẫn phải xin ý kiến ông lão ấy. Hoá ra, bao năm nay, công việc Bộ Binh, về mọi mặt, rất đỗi trì đọng, lạc hậu, chỉ có một vài quân thứ ở Bắc Kì là khá!
Thượng thư Tôn Thất Thuyết cố dằn lại nỗi uất hận. Thật lòng, hơn lúc nào hết, ông thấy Trần Tiễn Thành đúng là một kẻ buông xuôi, đầu hàng từ lâu và đến nay vẫn tham quyền cố vị. Nhưng ông tự hiểu, chính ông cũng như thượng thư Nguyễn Văn Tường, đều phải nhẫn nại. Trần Tiễn Thành vẫn đang được nhà vua sủng ái, trọng dụng. Trần Tiễn Thành vẫn đang khuynh loát tất cả. Không nhẫn nại, cả ông lẫn thượng thư Nguyễn Văn Tường, kể cả thượng thư Phạm Thận Duật đều phải rời khỏi triều đình. Tâu hặc Trần Tiễn Thành là chuyện phải làm, nhưng đến lúc này thượng thư Tôn Thất Thuyết đang thu thập các bằng chứng, các bằng chứng cũng đã gần đủ. Hiện vẫn có nhiều người trong triều thần chống lại Trần Tiễn Thành, thậm chí nói ngay vào mặt, nhưng y vẫn lì lợm.
Thượng thư Tôn Thất Thuyết lại nghe thượng thư Nguyễn Văn Tường nói.
- Chúng ta hãy làm hết tâm sức mình trong giới hạn nhà vua ban cho. – Thượng thư Nguyễn Văn Tường rắn giọng –. Quan điểm của tôi từ bao năm nay vẫn là “Phải chiến đã, mới có thể hoà, hoà để thủ, thủ để mưu chiến. Như thế mới hợp cơ nghi” (84) . Không chiến đấu thì hoà có nghĩa là đầu hàng hoàn toàn. Phải chiến đấu để dẫu có hoà cũng không đến nỗi bị giặc ức hiếp quá đáng. Hoà như vậy là cầm cự để tăng cường phòng thủ. Canh tân công nghệ cũng là tạo lực lượng để phòng thủ. Phòng thủ với lực lượng quân binh ngày càng hùng hậu để rồi chờ thời cơ. Khi đủ thế lực và tạo được thời cơ, thời cơ xuất hiện, bấy giờ sẽ chiến đấu để giành lại hoàn toàn độc lập và trọn vẹn non sông Đất nước. Không chiến đấu thì bọn giặc Pháp không đời nào nhả ra miếng mồi ngon chúng đã ít nhiều ngoạm được. Ngay việc đàm cũng phải chiến. Không kháng chiến thì không thành công trong việc đàm phán.– Thượng thư Nguyễn Văn Tường vẫn từ tốn, điềm đạm nói –. Nhưng, lúc này, chúng ta hãy làm hết sức mình trong giới hạn nhà vua ban cho.
Nhấp thêm một ngụm nước, thượng thư Tôn Thất Thuyết gật đầu:
- Không còn cách nào khác, nếu không nỗ lực tối đa như vậy.
Lần trao đổi về tình hình cả nước, các lân bang và về nội bộ như thế vẫn thỉnh thoảng được diễn ra giữa hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết.

9

“Lúc bấy giờ, nước Pháp phái tàu binh đến Hà Nội, lòng người kinh hãi, náo động. Thống đốc Hoàng Tá Viêm xin chọn một viên đại thần có uy vọng đem [theo] lính kinh [đô, quân chủ lực], sung làm kinh lược đến đóng ở Sơn Tây, đốc sức quân Tĩnh biên khẩn cấp đánh giặc Khách để trấn áp” (85) .
Phải vừa đối phó với Pháp đang thực sự xâm lược, lại phải vừa đối phó với bọn giặc Tàu (giặc Khách) lâu nay được vỗ yên, nhưng rất có khả năng chúng lại thừa cơ ngóc đầu dậy!
Vua Tự Đức liền ra sắc dụ cho thái tử thái bảo, thượng thư Bộ Lại, sung đại thần Viện Cơ mật – Thương bạc Nguyễn Chính (Chánh) làm kinh lược sứ Bắc Kì, cùng kinh lược phó sứ là hữu tham tri Bộ Hộ, kiêm quản Viện Đô sát Bùi Ân Niên (Bùi Văn Dị, người Hà Nội). Hai vị ngay tức khắc nhận lệnh lên đường (85). Đó là ngày 20 tháng 02 năm Tự Đức thứ ba mươi lăm (1882) (86). Bản mật dụ gửi cho thống đốc Hoàng Tá Viêm cũng tương tự như lần mới đây nhất: “Vạn bất đắc dĩ phải điều quân vận lương [nghênh chiến], thì đều phải làm ngay, chớ để lỡ việc chút nào” (85) .
Về phía thực dân Pháp, cầm đầu bọn viễn chinh là Henry Rivière, một tên nhà văn khá nổi tiếng ở nước Pháp và cũng là một tên thực dân khét tiếng, với quân hàm đại tá. Vừa qua, y đã đàn áp một cuộc khởi nghĩa lớn của nhân dân đảo Tân Ca Lê Đô Ni (Tân Đảo). Henry Rivière lại có tài bẻm mép, vận động, thuyết phục được vua Norodom ở Cao Mên (Campuchia) giao cho y được độc quyền lập công ti nha phiến! Cuộc xâm lược Bắc Kì do Henry Rivière cầm đầu đã được chuẩn bị từ cuối năm ngoái, 1881. Ngày 03 tháng 04, năm 1882 này, y cùng tàu binh, quân viễn chinh ra đến Hà Nội. Henry Rivière muốn “qua đường Bắc Kì để vào Viện Hàn lâm Pháp” (87) , muốn thăng đến chức vụ thuỷ sư đô đốc. Hoá ra, lúc này, các nhà văn tại Pháp lại có kiểu tiến thân trên con đường văn chương một cách phi nhân văn, đầy tính chất thực dân tồi tệ đến vậy! Hoặc, đó chỉ là ý nghĩ, thủ đoạn của một thiểu số nhà văn thân chính quyền thực dân đang cầm quyền tại Pháp. Bọn cầm quyền này đang ra sức lũng đoạn Viện Hàn lâm, bằng cách dùng áp lực để đưa vào Viện Hàn lâm văn chương Pháp những tên bồi bút mạt hạng như Henry Rivière!
Henry Rivière đến Hà Nội với một đoàn quân Pháp viễn chinh, khiến con số từ một trăm (100), vốn đóng quanh Nha lãnh sự trước đó, đã vọt lên gấp năm lần (500).
Tên thực dân thống đốc Nam Kì Le Myre de Vilers, từ ngày 17.01.1882, đã gửi thư cho Henry Rivière:
“Anh bắt quan triều đình phải nhượng đất để đóng thêm đồn, kiểm soát cả Hồng Hà. Nếu họ không cho thì lấy càn, không phải đếm xỉa tới họ, khi anh thấy là cần thiết. Và tôi tin rằng họ không kháng nghị gì lắm đâu” (88).
“Đối với chúng ta, thì Cờ Đen là cướp. Anh phải đối phó với họ như đối phó với cướp, nếu họ ngăn trở anh. [Hãy] bắt chúng, gửi về Sài Gòn, tôi sẽ đày chúng đi [đảo] Côn Lôn” (88)
.
Tên bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp, Jauréguiberry, viết văn thư đệ gửi tên cầm đầu chính phủ Pháp, Freycinet, vào một tháng sau ngày Henry Rivière cùng tàu binh cập bến Hà Nội, mùng 04 tháng 03.1882:
“Để đạt mục đích, không cần phải chiến tranh, vì lẽ rằng, trước mặt chúng ta, không có một lực lượng nào có sức kháng cự lại” (89)!
Nguyên khâm phái lãnh sự Nguyễn Thành Ý, không thể cùng Nguyễn Trọng Hợp sang Pháp như kế hoạch Viện – Bạc vạch ra. Ông liền được chỉ dụ vào lại Gia Định với nhiệm vụ thương thuyết với tướng Pháp, Le Myre de Vilers. Ông đang nhận trách nhiệm trong tình huống sống mái này, khác nào đang thực hiện “nghĩa [vụ] giao làm con tin, hiến thân cho triều đình” (90) !
Ở Hà Nội, tổng đốc Hoàng Diệu, tuần phủ Hoàng Hữu Xứng, bố chính sứ Sơn Tây Nguyễn Đình Nhuận mật bày kế sách phòng thủ: “Cho thượng du mạnh mẽ để giữ trung châu. Chúng [:Pháp] tiện ở đường sông, không tiện ở đường núi, thì chúng cũng biết là khó [thắng nổi ta] mà không dám động” (91) . Và Sơn Tây đã được xác định là địa điểm trọng yếu nhất. Kinh lược sứ Nguyễn Chính sẽ đến đóng tại đấy (91).
Thực dân Pháp không bỏ lỡ việc lợi dụng giáo dân Thiên Chúa giáo trong cuộc xâm lược Bắc Kì lần thứ hai này. Các tên thực dân cố đạo “tả đạo” cũng đã chuẩn bị phối hợp với Pháp:
“Tàu thuỷ nước Pháp (03 chiếc) bỏ neo ở phận biển Ni Sơn (thuộc tỉnh Ninh Bình). Lại có tàu thuỷ nhỏ đi đến nhà thờ [Thiên Chúa giáo], mượn thuyền của dân san chở đồ vật. Nhân dân sợ hãi” (92).
“Tháng ba, […] nước Pháp phái tàu binh đến thêm [ở] Hà Nội, và liền đến bỏ neo ở phận sông tỉnh Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình. Lòng người sợ hãi xôn xao” (93)
.
Các quan tỉnh lấy “hoà” ước, cứ xem như tín ước, để trách cứ quan binh Pháp. Nha Thương bạc ở Huế cũng trách cứ khâm sứ thực dân Rheinart. Y bảo: “Phải thản nhiên, mới khỏi hiềm khích” (93). Rheinart vờ vịt để bọn viễn chinh Pháp ở Bắc Kì dàn xong thế trận! Sau đó, y còn bảo: “Việc ở Hà Nội, sợ không thôi” (93), “lại muốn từ chức, về nước” (93) !
“Vua [Tự Đức] biết lòng độc ác của nước ấy đã lộ ra, thở dài nói rằng: “Việc ấy hai mặt đều khó. Không dự [tính] trước thì mắc mưu họ; dự [tính] trước mà không thích đáng cũng vô ích. Chỉ [trông] ở người hào kiệt, dự bị mà không lộ hình tích, [khi] động có việc, cũng đối phó được. Thế là tốt. Không nên lấy lời nói truyền đi [phao tin đồn, gây hoang mang]”” (93) .
Thật ra, lòng dân và cả quan đều đã rất hoang mang, xao động, và cũng không phải không có sự bình tĩnh đối phó. Hoàng Tá Viêm muốn đưa quân về Hà Nội (94). Trương Quang Đản muốn điều quân biên giới về Bắc Ninh (94). Phỉ Tàu rất có khả năng lại ngóc đầu dậy. Đến lúc này, quân Nguyễn Chính vẫn chưa kịp đến Sơn Tây (94)!
Các đại thần Viện Cơ mật – Thương bạc, Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Phạm Thận Duật, được vua Tự Đức triệu đến Điện Cần chính.
“Vua bảo các quan Viện Cơ mật và Thương bạc rằng:
“Bọn ngươi [đích] thân đảm đương việc ấy sẽ làm thế nào?”.
Tâu rằng:
“Vừa rồi, sai hai tỉnh Hà Nội, Hải Dương [ngoài việc quan quân đóng trong thành, lại đã chia ra,] uỷ quan đóng ở ngoài thành, cùng là một việc cần phòng giữ. Nay xin ở trong thì sửa sẵn binh đinh, súng đạn, khí giới; ở ngoài thì mật kết thân hào, đoàn kết con em. Lâm thời thì trong, ngoài giúp nhau, làm nhiều cách đánh lừa giặc. Còn như các việc ngăn lấp sông nên thôi, cho giặc khỏi ngờ mà mình chịu lỗi”.
Vua bảo rằng: “Chúng cậy tàu thuỷ làm tính mạng. Các tỉnh nếu đều mật dự ổn thoả cả, nếu chúng có làm bậy ở một tỉnh, thì ở đường sông tàu của chúng thường đến, [nên phải] chọn chỗ nông hẹp đem lấp ngay, thì trong, ngoài không thông được với nhau, chúng chẳng bị khốn [là gì], còn đợi gì! Duy làm việc ấy cốt ở người [kín đáo, biết giữ bí mật], cốt hợp thời nghi mà thôi, không nên vội vàng lầm lỡ”.
Nhân sai lục sức [:truyền thông] cho các tỉnh biết” (95)
.
Viện – Bạc lại bàn cách lấp sông theo hình ngũ điểm, “hình nanh sấu” (96) :

ª ª ª ª ª ª ª ª ª
+ ª ª ª ª ª ª ª ª +
ª ª ª ª ª ª ª ª ª

Đá vốn lâu nay chứa sẵn ở thuyền, nay đục thuyền, cho thuyền chìm xuống theo hình ngũ điểm ấy, để khỏi gây úng lụt và không trở ngại cho thuyền ghe vận tải, đi lại cỡ nhỏ của dân.
Lập tức, tăng cường ngựa trạm ở các cung đường (97).
Thượng thư Bộ Hộ tâu xin cho lính kinh đô (chủ lực) được lãnh trước nửa tháng lương (98). Đó cũng là một cách động viên, chuẩn bị tinh thần chiến đấu. Thượng thư Tôn Thất Thuyết tâu xin rút hai ngàn bốn trăm bộ binh (2.400 lính đánh trên đất liền), vốn đang làm việc ở các nơi về Huế, tuyển chọn quan võ để huấn luyện họ thêm, trên các vùng đất phía tây nam kinh thành vốn được sử dụng làm thao trường (99)… Thượng thư Bộ Lại tuân chỉ bổ nhiệm mười người Nam Kì ra vùng tị địa tại Bình Thuận theo lời tâu của điển nông sứ Khánh Hoà Phan Trung (100)…

10

Bọn Pháp viễn chinh cùng tàu chiến của chúng lại tiếp tục đến thêm, cập bến ở Cơ Xá (Hà Nội) (101). Chúng hằng ngày ra sức khiêu khích quân và dân ta. Những tên sĩ quan phái viên Pháp cũng hằng ngày dẫn quân của chúng, có trang bị khí giới, diễu qua diễu về, đi lại ở ngoài thành luỹ, nói phao lên là hẹn ngày vào đóng trong thành một cách ngạo mạn (101).
Tổng đốc Hoàng Diệu, người Quảng Nam. Ông nỗ lực tổ chức, bố trí phòng bị nghiêm ngặt. Những tên phái viên Pháp nằng nặc đòi triệt bỏ các điểm đặt súng phòng thủ. Tất nhiên, tổng đốc Hoàng Diệu không đời nào nghe theo yêu cầu của bọn chúng. Ông cứ điềm tĩnh động viên quan quân chuẩn bị chiến đấu.
Mùng tám tháng ba nguyệt lịch, năm Tự Đức thứ ba mươi lăm, Nhâm ngọ (25.04.1882), Henry Rivière gửi tối hậu thư đến tổng đốc Hoàng Diệu với những lời lẽ, điều kiện xấc xược:
“Tôi đề nghị ông giao thành, theo những điều kiện mà tôi nói ngay đây. Ngay ngày hôm nay, ngay sau khi tiếp được thư này thì ông phải ra lệnh cho quân đội ông rời khỏi thành, sau khi đã hạ hết khí giới và mở cửa thành. Để làm cho bản chức [là tôi] tin rằng ông thi hành những điều tôi đòi hỏi, thì ông phải nạp mình cho tôi. Cả các ông tuần phủ, quan bố [chính], quan án [sát], đề đốc, chánh lãnh binh và phó lãnh binh đều phải đến nạp mình ở dinh bản chức đúng 08 giờ sáng” (102) .
Tổng đốc Hoàng Diệu liền uỷ nhiệm án sát sứ Tôn Thất Bá ra ngoài thành thương thuyết, nhằm hoãn binh. Tôn Thất Bá vừa ra khỏi thành, quân Pháp liền nổ súng tấn công ngay (101).
Tổng đốc Hoàng Diệu cùng tuần phủ Hoàng Hữu Xứng (người Quảng Trị) chia đường đốc thúc quân sĩ chống lại những đợt tấn công với hoả lực rất mạnh, có sức công phá dữ dội của thực dân Pháp. Ba chiếc chiến hạm của Pháp nã súng đại bác liên tục. Quân ta vẫn kiên cường chiến đấu. Cuộc chiến đấu diễn ra rất lâu. Phía Pháp, có nhiều tên bị bắn chết hoặc bị thương. Phía quân ta, cũng ngã xuống một số quân. Những người lính Đại Nam yêu nước ấy đã dũng cảm hi sinh, bị tử trận hoặc bị thương tích (101).
Bỗng dưng, kho thuốc súng bị công phá, bùng nổ, cháy rực một góc thành (101). Quân ta không khỏi bị rối loạn hàng ngũ chiến đấu. Bấy giờ, Henry Rivière mới trực tiếp ra trận. Y chỉ ra trận khi đã nắm chắc phần thắng và ít còn khả năng bị trúng đạn! Henry Rivière dương quân ở cửa đông nhưng thực ra y đánh mạnh vào cửa bắc. Bọn viễn chinh Pháp đã chuẩn bị sẵn bốn mươi chiếc thang, bắc vào thành, leo lên, vượt thành vào bên trong. “Trong thành, quân ta [vẫn] bắn trả. Nhân dân tự thiêu huỷ các phố nhà lá, nhà gỗ thành một bức tường lửa, ngăn cản sự tiến binh của địch và buộc địch mấy lần phải dời ổ đại bác. Nhưng lửa cháy không được lâu. Tường lửa hạ xuống. Quân địch băng qua chiến hào đầy nước và bùn” (103) .
Thành bị mất, sau khoảng tám tiếng đồng hồ quyết tử (từ giờ mão [05 – 07 giờ] đến giờ mùi [13 – 15 giờ]).
Tổng đốc Hoàng Diệu đi lẫn vào đám quân hỗn loạn, đến tại hành cung, nơi nhà vua khi tuần du ra Bắc thường ngự giá tại đấy, xem đó như biểu trưng của hoàng đế. Ông rơi nước mắt, bái tạ, và nói: “Sức thần đã hết rồi” (104) . Sau đó ông đi thẳng đến Đền Quan Công, biểu tượng của lòng trung nghĩa, ở góc tây bắc, phía trong thành, tự thắt cổ dưới gốc cây to để biểu lộ khí tiết và theo đúng quân luật nhà Nguyễn. Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết lúc đang tuổi năm mươi tư!
Trong khi đó, đề đốc Lê Văn Trinh, bố chính Phan Văn Tuyển, lãnh binh quan Lê Trực, hai phó lãnh binh quan Hồ Văn Phong và Nguyễn Đình Đường đều chạy thoát ra khỏi thành (101).
Tuần vũ Hoàng Hữu Xứng vẫn đi tìm hỏi tổng đốc Hoàng Diệu. Không ai biết tổng đốc ở đâu. Ông vào thềm bên phía trái hành cung, bỗng tên sĩ quan Pháp xuất hiện với quân lính của y. Y ra lệnh bắt Hoàng Hữu Xứng.
“Phái viên nước Pháp muốn lấy lễ độ dụ [Hoàng Hữu] Xứng. [Hoàng Hữu] Xứng không chịu khuất phục, chửi mắng hắn. [Ông] cũng không bị giết. Rồi [hắn] sai đem [Hoàng Hữu] Xứng về Dinh Tuần phủ cũ giam lại.
Sau rồi phái viên nước Pháp đón [Tôn Thất] Bá về, giao tỉnh thành cho. [Trước đó,] [Tôn Thất] Bá chạy đến xã Nhân Mục [ngoài thành cổ Hà Nội]. [Lúc này, Tôn Thất] Bá vào thành cùng [bàn] với [Hoàng Hữu] Xứng. [Hoàng Hữu] Xứng có bàn tạm nhận” (101).
Đó là kể vắn tắt. Sự thể nhận thành vốn diễn ra thế này:
“Lúc ấy, [Hoàng Hữu] Xứng đã nhịn ăn [:tuyệt thực] thành ốm. [Tôn Thất] Bá mời [ông] vào [thành], [Hoàng Hữu] Xứng lại [từ] chối ngay. [Tôn Thất] Bá hai lần khóc, nói sự lợi, hại. [Hoàng Hữu] Xứng lại nghĩ, không tạm nhận [thành], sợ [tình hình] thêm khó [ra], nhân [thế] cũng gượng dậy, nghe theo. Nhưng [ông lại] bàn [chỉ] do [Tôn Thất] Bá nhận một mình, mà [ông cũng] cùng kí tên, [thông] tư cho Hoàng Tá Viêm, Nguyễn Chính [:Chánh] cùng các tỉnh láng giềng: Xem [tình] thế có thể thừa cơ được, nên làm [:đánh] ngay thì làm [:đánh], chớ lấy [việc] nhận thành làm ngại. Và [hai quan tuần vũ, án sát Hà Nội] đem việc [nhận thành] ấy nhận tội, tâu lên [:tâu vào kinh đô].
Nhưng quân Pháp [mặc dù nói là trả thành, chúng] vẫn đóng giữ ở hành cung [trong thành]” (101).
Chúng “lại phá cửa thành, vận tải súng đạn, khí giới…” (105)
.
Henry Rivière hí hửng khi biết tổng đốc Hoàng Diệu đã tuẫn tiết. Y liền phúc trình vào cho Le Myre de Vilers:
“Sáng 20.04 [1882, chính xác là 25.04.1882], chúng tôi được tin ông tổng đốc thắt cổ. Ông ấy là người bình tĩnh và kiên quyết. Nay ông chết là lợi cho ta lắm. Cái can đảm và cái ảnh hưởng của ông, nếu ông sống, chắc hẳn là gây nhiều rắc rối cho ta, nhất là nếu ông liên kết với Hoàng Tá Viêm ở Sơn Tây” (106) .
Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng, lúc đã cam đành phải nhận lại thành, ông không thể không nghĩ ngợi. Bằng bao nhiêu nếm trải thực tiễn và học tập từ sách vở, huấn dụ, ông biết, triều Nguyễn vốn có một khoản quân luật rất nghiêm là phạt rất nặng những quan, những tướng để mất thành, bị thất trận, và khen thưởng rất trọng cho những ai tử tiết. Do đó, hầu như phải tự sát, nếu tướng, quan nào rơi vào trường hợp ấy. Điều đó buộc tướng và quan phải có tinh thần trách nhiệm cao độ, phải thể hiện khí tiết. Tuy nhiên, mặt hạn chế cần nhận ra: Nhiều tướng cũng như quan có tài năng lớn, trong thế yếu, thất cơ, hoặc bị nội ứng, là phải tự sát. Các tướng và quan cỡ ấy lại khó tìm được người để thay thế! Do đó, trong điều kiện vũ khí quân đội triều đình nhà Nguyễn quá lạc hậu, tướng tài, quan giỏi lắm khi phải tử tiết một cách khá oan uổng. Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng lại nghĩ: Bản triều nhà Nguyễn đã nhiều lần từng nghị xử những trường hợp thất trận, mất thành, và đều nghị xử thật cẩn trọng từng trường hợp một, không phải trường hợp tự sát vì thất trận, để mất thành nào cũng được đề cao, thậm chí lại còn kết án, truy đoạt chức hàm. Tuy nhiên, vì mặt tích cực kia (trách nhiệm cao, khí tiết lớn), nên bản triều nhà Nguyễn hẳn vẫn tôn vinh những tấm gương tuẫn tiết như Hoàng Diệu.
Ông cảm thấy tự mình đã đủ dũng khí để chửi vào mặt giặc, đã chấp nhận cái chết tuyệt thực để giữ khí tiết như quan Vũ hiển điện đại học sĩ Nguyễn Tri Phương, cũng tại thành Hà Nội này, chín năm về trước. Nhưng chỉ một phút yếu lòng trước lời bàn bạc của án sát Tôn Thất Bá, ông đã viết thông tư cho thống đốc Hoàng Tá viêm cùng các quan tỉnh khác, đồng thời viết tập tâu nhận tội, đệ gửi vào triều đình. Mặc dù trong các bức thư, ông đều có viết, “xem [tình] thế có thể thừa cơ được, nên làm [:đánh] ngay thì làm [:đánh], chớ lấy [việc] nhận thành làm ngại” (101) , các bức thư và tập tâu ấy ít nhiều cũng tạo nên ảo tưởng Pháp sẽ lại tiến hành như hồi năm Quý dậu (1873)?!? Do đó, sĩ khí và việc phòng thủ, phản công có phần vơi bớt chăng?!? Phải chăng, như người ta nói, Tôn Thất Bá đã bị thuyết phục bởi những tên phái viên Pháp, lúc Tôn Thất Bá chạy đến trú tại xã Nhân Mục? Ông không rõ, không có bằng cớ nào để buộc tội như vậy. Phải chăng Tôn Thất Bá sợ chết, nên bị Pháp dụ dỗ, và y đã thông đồng với Pháp, chạy ra ngoài thành trước khi Pháp tấn công? Và phải chăng quả thực Pháp đã đợi đến lúc Tôn Thất Bá ra khỏi thành rồi, chúng mới nổ súng? Đúng là xưa nay, những kẻ thông đồng với giặc khi giặc tấn công thành trì, đều cố tìm cách chạy ra khỏi thành trước phút chúng tấn công, vì tên bay đạn lạc, lúc giặc tấn công, làm sao tránh được! Hay Tôn Thất Bá đã tự nguyện xin tổng đốc Hoàng Diệu ra khỏi thành để thương thuyết với giặc, rồi thoát thân trước khi bọn Pháp nã đại bác tấn công? Không rõ. Hoàn toàn không rõ. Hoàn toàn không có bằng chứng nào ngoài việc ấy. “[Tổng đốc Hoàng] Diệu uỷ án sát Tôn Thất Bá ra ngoài thành để thương thuyết” (101) kia mà! Nhưng ông tự hỏi, tại sao ông xiêu lòng, khi Tôn Thất Bá hết lời năn nỉ? Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng cảm thấy vô cùng hối hận trong những ngày nhận lại thành Hà Nội từ tay giặc Pháp.
Khoảng gần hai tháng sau, vào đầu tháng năm Nam lịch, tuần vũ Hoàng Hữu Xứng cùng các quan tỉnh Hà Nội nhận được sắc dụ của vua Tự Đức trong nỗi chua xót xen lẫn niềm ăn năn, xấu hổ. Tuy nhiên, trong số quan văn, võ Hà Nội ấy, tuần vũ Hoàng Hữu Xứng vẫn chói sáng lên trong chừng mức nhất định một nhân cách kẻ sĩ, một vị quan yêu nước và đủ dũng cảm để bày tỏ khí tiết. Còn sự thật về Tôn Thất Bá và các quan khác trong sự biến thất thủ thành Hà Nội lần thứ hai này?
“Dụ rằng: Vừa rồi Hà Thành có việc, Hoàng Diệu quyết chí cố giữ, thà chết không hai lòng. Các quan chính nên cố sức làm việc đến chết, mới hợp nghĩa hiến thân cho nước. Thế mà hết lòng trung chết vì tiết nghĩa, chỉ có một mình Hoàng Diệu. Bọn [quan võ] Lê Văn Trinh [, Hồ Như Phong, Nguyễn Đình Đường, Lê Trực] đều là quan to một tỉnh, sợ chết, tham sống, bỏ thành chạy trốn. Phan Văn Tuyển lại trốn trước, đến Sơn Tây, thì hèn nhát, không tài quá lắm. Hoàng Hữu Xứng tuy không ra khỏi thành nhưng không biết sống thác với thành. Tôn Thất Bá ra ngoài thành thương thuyết lại cùng với chúng dần dà trốn khéo. Quan giữ đất đai, gặp khi hoạn nạn, há nên như thế! [Tất cả] đều phải [bị] cách chức trước, trói giải ngay về kinh, [để được] xét rõ, tâu lên” (107) .
Đến tháng tư nguyệt lịch năm Quý mùi (1883), triều đình “truy tặng hàm phó quản cơ cho suất đội Hà Nội là Đỗ Đăng Lân (ấm thụ cho con hoặc em hay cháu một người làm chánh cửu phẩm bách hộ). Vì khi Hà Thành thất thủ, [Đỗ Đăng] Lân bị người Pháp giết chết, cho nên truy tặng hàm ấy” (108) .
Hà Nội thất thủ lần thứ hai! Nỗi đau và niềm bi tráng!
Rút kinh nghiệm “tự lật tẩy” của một vạn hai (12.000) “lính bản xứ” phản quốc lần trước, lần này, chỉ có năm mươi (50) khẩu súng Henry Rivière trao cho cố đạo giám mục Puginier, một tên thực dân cáo già khoác áo tu sĩ (109)! Người ta không hiểu vì sao tên cố đạo cáo già thực dân này không bị nhân dân chấp nhận “mạng đổi mạng” hoặc ám sát, nếu không biết rằng y được giáo dân và thực dân Pháp bảo vệ như thế nào!
Hà Nội, nỗi đau thất thủ lần thứ hai, đau đớn nhưng không nhục nhã và đốn mạt như lần trước, bởi lần này hầu như vắng bóng những tên nhục nhã và đốn mạt như 12.000 tên vô lại phản quốc, hầu hết đã bán linh hồn cho “tả đạo”, mang chiêu bài “phù Lê” dạo ấy!

11

Thự thượng thư Bộ Binh kiêm hải phòng sứ kinh kì Tôn Thất Thuyết tuy không được dự chính thức các cuộc họp của Viện Cơ mật – Thương bạc, nhưng với chức trách nắm giữ toàn bộ binh quyền trong tay, ông vẫn tham dự các cuộc họp Viện – Bạc những khi cần thiết, được triệu mời. Trong các buổi thiết triều, cứ ngày cách ngày, ông có dịp tấu trình trước đình thần và nhà vua. Trong các cuộc đình nghị, tiếng nói của thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết vẫn thường cất lên.
Thượng thư Tôn Thất Thuyết đã có hai người đồng chí chủ chiến trong Viện Cơ mật – Thương bạc, đó là Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật.
Tôn Thất Thuyết thường đến gặp hai vị thượng thư kiêm sung đại thần Viện – Bạc ấy để bàn bạc việc quân cơ và các vấn đề khác trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng này.
Ở công đường Bộ Hộ, vẫn ngồi đối diện trước bàn nước, trên hai chiếc trường kỉ, ba đại thần có chung một thời trận mạc tiễu phỉ ở phía bắc thường đàm luận với nhau. Những ý kiến chỉ đạo cũng thường nảy sinh ở đó.
Vẫn là nước trà thơm bốc khói trong ba chiếc chén màu lam Huế, đặt trước mặt ba người, nhưng lúc này là ban đêm, tiếng trống canh một đã điểm từ lâu, bóng tối đêm đầu hạ đã khoả kín, tiếng ve sầu đã thôi trỗi lên, lan toả trong gió.
- Tình hình Bắc Kì, nhất là Hà Nội, thật chua xót quá sức! Súng đạn của bọn Pháp chiến thắng Hà Nội, chứ thật ra, làm sao lần nào cũng thất thủ nhanh đến thế! – Thượng thư Tôn Thất Thuyết nói –.
- Kinh lược sứ Nguyễn Chính đã được sắc dụ điều động về Mỹ Đức hoặc Nho Quan rồi (110). Và sắc dụ phòng thủ bí mật đã ban ra khắp cả nước (111). Quan hiệp biện hưu trí Trần Đình Túc cũng đã ra Hà Nội làm khâm sai đại thần, phối hợp với tĩnh biên phó sứ Nguyễn Hữu Độ, vừa được chỉ sung làm kinh lược phó sứ, để nhận lại thành Hà Nội (112). Tiếp đến, Hoàng Hữu Thường, Vũ Nhự cũng đã ra Bắc để giúp sức (112). Ta đang chờ diễn biến mới đoán định rõ… Có phải như thế? – Thượng thư Phạm Thận Duật nói –.
Thượng thư Tôn Thất Thuyết đăm chiêu. Ông nói:
- Hôm đình nghị vừa rồi, ai cũng bảo chính tên Rheinart và bọn Suý phủ Pháp giảo quyệt, vờ nói trả thành, nhưng chúng vẫn đóng giữ ở hành cung trong thành một cách phạm thượng! Đoàn khâm sai lần này không khéo mắc mưu bọn chúng! Chỉ là do chúng ta thực lực chưa chuẩn bị kịp!
- “Thống đốc Hoàng Tá Viêm, kinh lược Nguyễn Chính, Bùi Ân Niên dâng sớ xin đánh” (113) . Đây là những dòng chữ trong tập tâu của ba quan viên ấy. – Thượng thư Nguyễn Văn Tường lấy các bản sao từ ống đựng công văn ra –. “… Liền đánh phá, liền giao trả lại” (113) , bọn Pháp “lại tuyên ngôn: Chỗ nào phòng bị, chúng tất gây chuyện! Khinh nhờn đến thế, ai không đau lòng” (113) ! Bọn Pháp “cứ mười năm đổi [“hoà”] ước một lần. Mỗi khi đến kì định ước thì chúng đem quân để doạ, phá thành trả thành; chẳng qua doạ bằng oai để thoả lòng mong muốn. Xem ý nước ấy [:Pháp] [yêu sách] đặt thêm thương cục ở Vị Giang tỉnh Nam Định và Bạch Hạc ở Sơn Tây, khiến cho ta không thi thố gì được. Các tỉnh hèn nhát thuận theo, thì [chúng] lấy như giở bàn tay. [Tỉnh nào] hơi có phòng giữ nghiêm chỉnh thì [chúng] cố sức đánh. [Bọn Pháp] không lấy được cả toàn hạt Bắc Kì không thôi, ý ấy [của chúng] đã lộ ra tất cả. Nếu dùng dằng ở chỗ ấy, cũng được tạm thời yên; chỉ sợ dầm ngấm vào mưu chúng, lại để vua phải lo nghĩ mà thôi. Bọn tôi xét kĩ tình thế, nên đánh một trận rồi mới hoà, hoạ là có thể ngăn được lòng tham của chúng… […] … Nếu mọi việc [chúng] chỉ giữ trịch thượng, bọn tôi nhờ uy đức của nhà vua, cổ động quân dân, người giữ thì hết sức giữ vững, người đánh thì chia đường hợp sức cùng đánh. Cốt giết hết tất cả để rửa thẹn trước” (113) . – Thượng thư Nguyễn Văn Tường nói –. Và đây là châu phê của nhà vua: “Sao lúc mới nghe Hà Thành có việc, [các ngươi] không vây ngay mà đánh, cho [chúng] biết bó tay. Nay [chúng] đã giao trả, [ta] đánh, tất [chúng] đổ lỗi cho ta, lại ngăn trở cơ hội không sớm được yên. Và đánh, tất phải dùng quân họ Lưu [Vĩnh Phúc], càng thêm cho chúng giận, khó giảng giải. Huống chi chúng vốn hay tức giận, chỉ mượn uy doạ nạt cầu cho được việc. Nay nếu bức bách, sợ chúng phát làm bậy, [thì ta muốn] giữ, [cũng] không giữ được. Nay hãy sửa sang thanh thế, xem chúng có cầu [:yêu sách] quá đáng hay không. Việc [buộc chúng] bồi thường [thành Hà Nội] được vừa phải thì thôi [:ngừng chiến]. Không thì đem quân mà đánh. Đến thế là chúng tự làm ra, khó nói gượng để gỡ trách nhiệm được” (113) . Trần Đình Túc và gã Nguyễn Hữu Độ cũng đều tâu nói “hai mang” [:nước đôi] như vậy! Tôi đã đọc nhiều tập tâu của quan tỉnh, quan quân thứ và các châu phê của nhà vua, rốt lại là thế!
- Chiến hay “hoà” vẫn không dứt khoát, không xác định rõ ràng gì cả! Đúng như chữ nhà vua dùng, đều là “hai mang” [:nước đôi] . – Thượng thư Tôn Thất Thuyết nói –. “Đình thần xin theo [ý quyết đánh] chuẩn cho làm ngay [:đánh ngay], Các thần xin cả nước đánh ồ ạt” (114) . Đình thần là chúng ta đây, Các thần là các quan Nội các, tất cả đều quyết tâm đánh. Nhưng quyết định cuối cùng không phải là ai khác… – Thượng thư Tôn Thất Thuyết muốn nói đến vua Tự Đức, mà kẻ được vua tin cậy nhất, đó là Trần Tiễn Thành, dù ông ta đã bị kèm chặt bởi hai thượng thư chủ chiến là Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật –.
Ngẫm nghĩ, hết sức dè dặt, thượng thư Nguyễn Văn Tường nói:
- Thật ra, tôi hiểu ý nhà vua, nếu đánh hẳn sẽ khó giữ được toàn vẹn. Nhà vua có thể đã có chủ định sẽ nhân nhượng thêm. Quan Thương bạc Nguyễn Trọng Hợp đã được tên khâm sứ Rheinart đề nghị một phụ ước “bảo hộ” (115), như ở Tunysie, cho “hoà” ước Giáp tuất 1874… Nhưng nhà vua không chịu. Tôi và tất cả chúng ta đây không đời nào chịu. Ta càng nhân nhượng, chúng càng lấn tới! Chiến đã, mới có thể hoà. Nói như thống đốc Hoàng Tá Viêm mới đây, phải đánh cho chúng nhụt bớt cuồng vọng, mới “hoà” được, nếu ở thế yếu, buộc phải cắn răng chịu “hoà”! – Ngừng lại, thượng thư Nguyễn Văn Tường nói tiếp –. Theo ý tôi, tôi đã và đang ra sức vận động Trung Hoa, để họ đưa quân sang. Khi quân Trung Hoa nhà Thanh sang rồi, ta quyết chiến mới vững chắc thế trận hơn. Hai vị nghĩ như thế nào?
- Sợ có muộn lắm không? – Thượng thư Phạm Thận Duật nói –.
- Tất nhiên ta phải tự lo là chính. – Thượng thư Nguyễn Văn Tường đáp –. Nhưng nếu có quân Thanh yểm trợ, sẽ vững hơn. Cực lòng mới vậy! Quân Thanh sang nước ta, cũng rắc rối và khổ dân lắm. Nhưng nói chung, không có cái gì thật sự hoàn hảo, được cái này, mất cái kia. Tình thế vậy, tương quan lực lượng vậy, thì được cái lớn, mất cái bé, cũng đành tạm thời chịu vậy. Quân Thanh gây rắc rối và khổ dân, đó là cái bé phải đau lòng chấp nhận, nhưng ta được sự yểm trợ mạnh, cũng yên tâm. Bất đắc dĩ phải nhờ cậy như thế… Tôi cũng đã nghĩ đến thế trận “đối trọng, trung lập” sau đó. Tình huống thế, thì phải thế.
Ba vị đại thần suy nghĩ.
Một lát, thượng thư Nguyễn Văn Tường lại hỏi:
- Nhà vua đã có chiếu chỉ triệu Ông Ích Khiêm ra kinh đô (116). Tôi đã hứa với ông ấy, sẽ cùng ông ấy làm việc ở Bộ Hộ. Đó là một cách tăng cường thêm những người tâm huyết. Không biết lần này ông ấy có phạm lỗi nữa không… Tôi cũng rất mừng khi quan thượng thư Bộ Binh đây đã tăng cường phòng thủ, mặc cho tên Rheinart một, hai đòi ta phải buông xuôi…
- Ở Bộ Binh, phải đấu tranh với quan lớn Trần Tiễn Thành rất gay gắt mới được thế. – Thượng thư Tôn Thất Thuyết nói –. Phòng thủ theo chiến thuật hư binh cũng phải phòng thủ, chứ đâu phải là buông xuôi, “xuôi tay cho mệ [:cọp] nuốt”! Tôi vẫn rất tâm đắc tập tâu của Lâm Hoành, trong đó có câu: “Vả lại lo ở [:về nạn] nước ngoài đến nay, đã hơn hai mươi (20) năm, [nói theo thành ngữ], “việc phòng bị trước khi mưa [:giặc đến]”, vẫn còn sơ sài. Chức vụ ở đâu? Không nghiêm trị bằng quân luật, sợ sau này không răn chừa, việc quân việc nước còn ra sao?” (117) .
Trong những tháng ngày này, tên khâm sứ Rheinart cũng hết sức xấc láo. “Khâm sứ đóng ở kinh là Rheinart đưa thư nói việc phòng bị cửa biển Thuận An, lời nói rất ngang ngược, khinh nhờn” (118). “Vua bảo rằng: “Chúng nói và làm như thế, làm sao tin được! Phòng bị là việc thường của người có [Đất] nước. Đâu có thể bắt người chịu bó tay, không làm gì mới thoả lòng ư? Không trách phàm việc phòng bị của các tỉnh, chúng đều muốn triệt bỏ đi, thì khiến cho người làm thế nào được? Hầu đem một chữ “hoà” trước sau đánh lừa ta chăng?” (118) . Tất cả đình thần đều biết sự thể đó. Cuộc đình nghị đã diễn ra rất gay gắt. Nhưng Trần Tiễn Thành và một vài quan tham biện, tư vụ cùng quan Nha Thương bạc vẫn tâu xin “bãi bỏ việc đắp luỹ, thêm quân ở cửa biển Thuận An” (119) để tránh lời de doạ chiến tranh từ ý đồ thâm độc của Pháp và tên khâm sứ Rheinart. Tập tâu này chính Trần Tiễn Thành đứng tên (119), chứ Nguyễn Văn Tường và Phạm Thận Duật không đồng ý đề hai chữ “Viện – Bạc” như các tập tâu khác vốn đạt được sự nhất trí cao. Dẫu vậy, Trần Tiễn Thành vẫn được nhà vua nghe theo. Sự rạn nứt nghiêm trọng trong Viện – Bạc ngày càng rõ, nhưng hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật vẫn cố kìm giữ, vừa đấu tranh vừa phải nhẫn nại. Phạm Thận Duật bận công việc biên tập “Việt sử cương mục” , giảng tập ở Dục Đức đường, kiêm quản Quốc tử giám (120), quá đỗi bận bịu, nhân đấy, ông đã viết tập tâu từ chức khéo, bằng cách xin nhường chức cho Tôn Thất Thuyết, mặc dù Nguyễn Chính đã ra Bắc Kì, cơ chế tạm gọi là tứ trụ, bốn đại thần Viện Cơ mật – Thương bạc, đang khuyết một người. Cùng với Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường nhẫn nại nói nước đôi trong việc đề cử Tôn Thất Thuyết, vì tránh trường hợp sẽ bị chính nhà vua và Trần Tiễn Thành phản ứng. Thượng thư Nguyễn Văn Tường tự xác định, ông cần phải thật cẩn trọng, khôn khéo, mềm dẻo, nhưng vẫn cương quyết theo đuổi chính kiến “chiến – hoà – thủ – chiến” từ lâu ông đã tâm niệm.
Với sự cẩn trọng như vậy, Bộ Hộ vẫn bị xới việc, những việc không ra gì nhưng phiền lòng!
Trong những ngày dầu sôi lửa bỏng này, Bộ Hộ do thượng thư Nguyễn Văn Tường đảm trách lại bị xới lên một vài việc đã cũ. Vụ việc lại dính líu đến Bùi Ân Niên. “Quyền hữu tham tri Bộ Lại là Bùi Ân Niên được đổi bổ thự hữu tham tri Bộ Hộ, nhưng vẫn làm quản Thương bạc sự vụ đại thần” (121), hồi tháng ba nguyệt lịch năm Tân tị (1881). Và không những dính líu đến Bùi Ân Niên, còn liên quan đến một hai vị quan khác ở Bộ Hộ. Nhưng dẫu sao, thượng thư Nguyễn Văn Tường vẫn chịu trách nhiệm chính vì những sai sót của thuộc viên. “Trước đây tuần phủ Nam – Ngãi là Trần Nhượng đem việc Bộ Hộ làm không hợp tâu lên” (122), “quan ở Bộ Lại đem việc Xuân Điền kêu xin, tâu xin giúp cho, trước sau bất nhất, việc thuộc thiên tư [:thiên vị] và nhàm…”, cùng hai khoản khác vốn không có gì nghiêm trọng nhưng lôi thôi, rắc rối. “Quan ở Bộ [Hộ] dâng sớ biện bạch: Cho là Xuân Điền chở tiền, trước xin là ngăn mầm gian, sau xin cho là vì công khoá… […] … Số chi tiêu của tỉnh ấy không nói rõ năm tháng, hoặc biên lẫn khó xét, cho nên [Bộ] bác đi… […] …” (122). “Vua cho là một việc chở tiền, đã xin cấm, lại xin cho, trước sau bất nhất, quan ở Bộ không đổ lỗi được. Còn như tiền thuế, quan tỉnh không [tuân] theo [mà] đem thu, cũng là đùn đẩy, đều phải giáng cấp, lưu dụng” (122) . Thật ra, những phiền phức nhỏ ấy, trong công tác, không thể không xảy ra. Người phạm lỗi đã được chỉ ra cụ thể, nhưng vẫn thấy không khỏi phải chú tâm giải quyết thật minh bạch. Nay Bùi Ân Niên lại đang làm phó kinh lược sứ ở Bắc Kì, ngày đêm lo đối đầu với Pháp và phỉ Tàu…
Thượng thư Nguyễn Văn Tường mỉm cười, vẫn nụ cười điềm tĩnh. Ông trở lại với mạch chuyện nghiêm trọng về tình hình Bắc Kì đang bỏ dở.
- Tôi cũng mừng là tình hình lương – giáo không nổi lên như hồi năm Quý dậu (1873). – Thượng thư Tôn Thất Thuyết nói –. Tuy vậy, nhà vua cũng mới “mật dụ cho các quan tỉnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thanh Hoá và Nghệ An, hiểu bảo và cấm trấp dân lương, dân giáo cho đều cùng yên” (123) . May là có “mười ba tên là dân hai xã Phú Thứ, Thôi Ngôi tỉnh Nam Định bỏ đạo theo về nghiệp nho” (124) .
- Con số thật quá ít ỏi. Nhưng cũng đáng mừng. – Thượng thư Nguyễn Văn Tường lại nói –.
- Còn việc tổng đốc Hải – Yên Lê Điều, người thay Phạm Phú Thứ, vừa xử chém gã người Hoa, vốn là khách buôn, tên Hùng Tài Lộc (125), quan Bộ Hình nghĩ thế nào? – Thượng thư Tôn Thất Thuyết hỏi –.
- Tôi thấy dạo này bọn Hán gian cũng lớn lối lắm. Nhưng bọn Pháp lại thừa cơ lừa ta rằng Hùng Tài Lộc là người của nước Anh, chúng bắt bồi thường, rồi lấy hai ngàn (2.000) tiền thuế thương chính bỏ túi! Thật đốn mạt! (125)… Bọn Pháp còn chạy về Hưng Yên hành hung dân lành một cách tàn ác. Bộ Hộ mới vừa “cấp tiền gạo cho dân hai xã (Đào Xá, An Cần) tỉnh Hưng Yên, bị lính Pháp đốt nhà, giết người” (126) !
Tôn Thất Thuyết cười gằn, cáu giận. Cố trấn tĩnh, một lúc, ông lại nói:
- Thật dã man hết nói nổi! – Quan Bộ Binh như thể đang nuốt hận, im lặng một lúc, lại nói –. … Thật tôi không ngờ thống đốc Hoàng Tá Viêm, tĩnh biên phó sứ Trương Quang Đản, “trước đã không biết dự phòng, sau lại không biết đánh ngay, lại lần lữa trông ngóng, ngồi nhìn để lỡ sự cơ. Đến lúc nghe bàn giả [:trả] lại tỉnh thành, mới dâng sớ xin đánh” (127) . Cũng thế, thượng thư Bộ Lại Nguyễn Chính sung làm kinh lược sứ Bắc Kì lần này thật đáng trách. Ông ta tránh giặc, “khi đi đường, nghe tin báo [thất thủ Hà Nội], lại tìm đường đi thẳng về Sơn Tây, xin tướng, xin quân, chưa nghe có thực hành một việc gì. Xin đều giao nghị xử, để răn về sau” (127). “Vua cho lời tâu ấy là phải” (127) . Vừa rồi quan khoa đạo Lê Doãn Thành tâu hặc tôi mới càng rõ.
- Hoàng Tá Viêm, Trương Quang Đản lần lữa là vì triều đình không quyết đoán! Chính Hoàng Tá Viêm đã toan cãi lại lệnh dụ, không chịu tuân theo. Chính bản tâu của quan thống đốc còn đây: “Quan khâm sai giao nhận chưa xong, mà thương thuyết cũng không được việc gì. Xét về tình trạng, nước ấy [:Pháp] trao trả tỉnh thành, vốn không phải lòng thực. Nay đã giữ được các viên khâm sai ở trong tay, [chúng] tha hồ muốn làm gì thì làm. Nếu ta nghe nước ấy đuổi quân đoàn [Lưu Vĩnh Phúc] ấy đi, các tỉnh không phòng bị, [bấy giờ bọn Pháp] có thể thừa cơ được, thì [chúng] lấn áp làm càn. Nếu đoàn ấy làm việc cho ta, phòng bị hơi vững, thế [bọn Pháp] chưa làm gì được, thì [chúng] yêu sách nhiều khoản…” (128) . Ông ấy còn tâu: “Người Pháp đến lần này, lòng dối trá không thể lường được, mà thành Sơn Tây là nơi trọng yếu cho cả Bắc Kì. Nếu thành Sơn Tây bị vấp, không những toàn kì dao động, mà chợt đến dụng binh, [thì] không có chỗ đứng chân…” (129) . Tất cả là do tình huống này: Pháp đánh thành Hà Nội, chiếm được liền trả ngay, để ta không động binh. Ta yếu về lực lượng, chỉ mong hoà hoãn, cầm cự, hết sợ khích biến Pháp, đến sợ chúng làm ẩu, đánh tràn lan như năm Quý dậu (1873), khó chống đỡ nổi. Pháp lại buộc ta không được phòng thủ, phòng thủ chúng càng đánh. Do đó, nhà vua lưỡng lự, sợ mất tất cả, nên cứ hoà hoãn, cầm cự, ngay việc phòng thủ cũng phải theo chiến thuật hư binh. Nguyên nhân, nói gọn là bọn thực dân Pháp tham lam, ta lại bị rơi vào thế yếu. Nói gọn hơn: Pháp tham, ta yếu. Thực chất của tình huống là vậy. Cho nên, tôi đã hướng về Trung Hoa từ lâu, tìm cách liên minh với nhà Thanh, qua Đường Cảnh Tùng với danh nghĩa Chiêu thương cục. Việc liên minh giữa hai nước mà cũng phải ngầm lén, cho qua mắt bọn Pháp, thì chỉ một việc đó cũng đủ thấy thực lực của ta và nhà Thanh. Nhưng dẫu sao, tôi vẫn quyết chiến đến cùng. Và tôi càng quyết tâm hơn, nếu quân Thanh sang nước ta ngay lúc này. Tôi và cả chúng ta đều chờ, phải không? Chờ, để có quyết định quyết liệt hơn. Vì Đất nước, nhân dân và vì cơ đồ bản triều nhà Nguyễn, chúng ta không thể liều lĩnh, không đắn đo, trong tình huống này. – Thượng thư Nguyễn Văn Tường lại nói tiếp –. Quan Bộ Binh Tôn Thất Thuyết xin cố nhẫn nại ít lâu nữa, bấy giờ sẽ quyết liệt, nếu Trung Hoa không thất hứa và họ thật tâm liên minh. Tháng tư vừa rồi, sứ bộ sang Trung Hoa do chánh sứ Nguyễn Thuật dẫn đầu đã về đến Lạng Sơn (130). Họ phải đi đường vòng để vào kinh, vì Hà Nội bị giặc Pháp chiếm cứ. Sứ bộ đang viết tập tâu (130). Một hai hôm nữa, xem Nguyễn Thuật tâu báo tình hình thế nào. Tôi đang rất sốt ruột đây…
Cuộc bàn luận vẫn tiếp tục cho đến khuya, khi trống đã điểm canh ba.
Mãi đến cuối tháng sáu, tình hình vẫn chưa sáng sủa hơn. Đúng như tập tâu thống đốc Hoàng Tá Viêm viết hồi tháng ba nguyệt lịch: ý đồ của Pháp là muốn đặt thêm đồn bót. Đến tháng này, “phái viên nước Pháp xin đặt đồn ở sông Bạch Hạc (thuộc huyện Bạch Hạc), tỉnh Sơn Tây. Vua không nghe [theo yêu sách của chúng]” (131) ! Và nhà vua vẫn phải giữ thái độ hoà hoãn trong chừng mức nào đó, để có thể cầm cự, chờ quân Thanh có thực tâm sang yểm trợ hay không.
Việc Phạm Thận Duật xin từ chức để lo biên tập bản thảo “Việt sử cương mục” và để nhường chức cho Tôn Thất Thuyết, đã bị nhà vua trách mắng khá nặng. Cả tham tri Bộ Công Lâm Hoành (nguyên quán Quảng Trị), người cùng Phạm Thận Duật đứng chung tên ở tập tâu, cũng thế. Thực tâm, vua Tự Đức vẫn muốn Tôn Thất Thuyết hàm dưỡng sâu hơn, mới có thể vào Viện – Bạc.
“Dụ rằng:
Vừa đây, cứ thượng thư Bộ Hình Phạm Thận Duật xin giải Viện chức để nhường chức ấy cho Tôn Thất Thuyết, trẫm đã phê giao cho Trần Tiễn Thành và Nguyễn Văn Tường cùng duyệt để thương xét, cùng các thư của Tôn Thất Thuyết điều trần tự lượng để tham khảo ý kiến của cả mọi người. Nay cứ phúc tâu, thì hai viên đại thần ấy sợ rằng mang tiếng dị nghị, muốn được nhiều người cùng gánh vác trách nhiệm, nên tâu lên những lời nước đôi. Tôn Thất Thuyết thì từ chối vì bệnh, đều là chưa có gì xác thực.
Vả, Tôn Thất Thuyết được hưởng trường hợp nghị thân [ưu tiên vì người Tôn Thất], và nghị hiền [ưu tiên vì là người có tài năng] rõ rệt, phận nghị càng quan hệ. Viên chức có khuyết, chẳng bổ cho Tôn Thất Thuyết thì còn ai? Nếu như nên được tức khắc sung bổ, thì còn cần gì tâu lên để nhường cho nhau? Nhưng trẫm xưa nay dùng người, bao giờ cũng giữ lẽ công bằng, tuỳ tài khí lục dụng, để cho công việc đều được thích nghi. Tôn Thất Thuyết dẫu có trí dũng, giỏi về việc binh, song sự lịch duyệt và hàm dưỡng đều chưa được sâu, sợ rằng không khỏi xảy ra lầm lỡ. Huống y là người khó nhọc nhiều, bệnh hoạn lắm, chữa trị chưa khỏi. Hiện nay giữ hai việc binh chính [Bộ Binh] và phòng bể [hải phòng], đều là quan trọng. Nếu làm trọn được chức vụ ấy tưởng cũng đã khó. Vì thế, hôm nọ chối từ việc kiêm thêm phủ vụ [Tôn nhân phủ], tưởng cũng là y tự lượng lòng mình để xứng với tài mình thì không nỡ cưỡng ép quá. Vả lại, khiến cho ngày thêm đào luyện, hàm dưỡng ví như vào chốn hoa thơm, uống li rượu tốt, tất biến hoá khí chất mà không tự biết, rồi sau mới có thể gánh vách được việc lớn.
[…] Vậy sao Phạm Thận Duật, Lâm Hoành không xét kĩ, đã vội ưng cho? Hoặc bảo các quan ở trong triều không ai hơn được? Hay hoặc bảo binh chính đã đổi mới? Nếu nói như thế thì quả là công [chính] hay tư [vị], là phải hay trái, chắc cũng có thể phân biệt được.
[…] Vậy sự tiến mau, lui gấp, cũng không phải tài khí cao xa, sao Tôn Thất Thuyết, Lâm Hoành lại tâng bốc cho nhau quá đáng. Như thế ít khi khỏi mang tiếng là a dua bè đảng.
Khoảng năm Minh Mạng có một kẻ sĩ khen tốt cho Nguyễn Hữu Thận, bảo là nên đặt vào địa vị sư phó, chứ không nên để cho làm quan ở ngoài. Vậy mà còn bị thánh chỉ quở răn là xưng tụng công đức của Vương Mãng [kẻ cướp ngôi vua, nhà Hán, Bắc sử], rồi theo công nghị triều đình nghĩ xử người [kẻ sĩ đề cử] ấy vào trọng hình. Các ngươi lại không trông đấy để tu tỉnh mà nghĩ kĩ hay sao?
[…] Nay trẫm thấy các ngươi che giấu điều lầm, vu nịnh điều trái quá lắm, nên không thể không vạch rõ những sự u ám bế tắc, ngăn ngừa ngay lúc đầu, để có thể bỏ hoạ thành tài, dự trù cho quốc gia sau này. Bởi vậy trẫm không ngần ngại nói quá nhiều lời, không kể gì nữa, chỉ mong phân tích rõ ràng để các ngươi dễ tỉnh ngộ mà thôi.
Đến như ngày nay là lúc đang cần gấp dùng người, được có người tài, há chẳng vui mừng, nhưng cũng không thể vội được. Sự thử thách các gian hiểm, bậc thượng thánh cũng còn thận trọng, huống nữa là người thường.
Đến như Phạm Thận Duật là người cũng có học thức, vả lại đã lịch luyện; nếu ngươi tự cam ăn ghé nói mò, phụ lòng uỷ thác, thì sẽ có pháp luật đó.
Hiện nay việc nhiều người ít, ai ai cũng nên cố gắng. Người làm mười ta làm trăm, người làm trăm ta làm nghìn, thì việc gì mà chẳng xong xuôi, chức vụ nào mà không đầy đủ.
Còn như cứ vin vào cái danh [biên tập “Việt sử”?] để chọn việc thì chức vụ nào mới kham nổi, lúc nào mới báo đáp. Vậy quyết nhiên không thể để cho tránh nặng tìm nhẹ.
[…] Khâm thử.
Ngày 30 tháng 06, Tự Đức năm thứ 35 (13.8.1882)” (132)
.
Vua Tự Đức rất quý trọng tài thao lược của Tôn Thất Thuyết, nhưng vẫn hết sức cẩn trọng, vì những lẽ đó. Vả lại, tình huống trong thời điểm hết sức gay gắt, có thể nói là gay gắt nhất, chính là lúc này, khiến nhà vua càng phải cẩn trọng, dè dặt. Sự cẩn trọng của vua Tự Đức còn bởi nhà vua phải hết sức lo ngại, đắn đo, một khi quân Thanh yểm trợ chưa hành quân sang nước ta để có thể phối hợp đương đầu với giặc Pháp.
Thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết nhận bản sắc dụ sau khi đã được tuyên đọc trong một buổi thiết triều. Ông cứ nghĩ ngợi, đọc đi đọc lại mãi. Tôn Thất Thuyết thấy rằng không phải nhà vua nhận định sai lầm… Nhưng thật lòng ông không thể yên tâm, không thể không đau lòng, nếu Trần Tiễn Thành cứ trì trệ, lần lữa, cứ để việc quân binh mãi hoài lạc hậu, yếu hèn… Ông cũng hiểu nỗi khổ tâm của thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường. Vả lại, trong tình huống đầy gay go, thách đố này, thượng thư Nguyễn Văn Tường đang còn ra sức vận động nhà Thanh, một lực lượng yểm trợ Đại Nam và làm đối trọng với bọn Pháp, mới có thể quyết chiến mà không bị chê trách là liều lĩnh, thiếu muu trí, không trông xa nghĩ sâu.

Hết tệp 3 truyện kí 9

Viết đến dòng chữ này vào lúc 16 giờ 26 phút,
ngày 29.12.2002 (26.11 Nh. ngọ, HB.2),
tại thành phố Hồ Chí Minh
.

TRẦN XUÂN AN


(75) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 93.

(76) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 95.

(77) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 97.

(78) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 97.

(79) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 98.

(80) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 94.

(81) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 98.

(82) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 95.

(83) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 98 – 99.

(84) Châu bản, dẫn theo: Trần Viết Ngạc, trong tập Các báo cáo khoa học (CBCKH.), Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế, 02.07.2002., tr. 56.

(85) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 99 – 100.

(86) TVTĐ., tập 2, Nxb. Thuận Hoá, sđd., 1996, tr. 214 – 216.

(87) CXL., Nxb. Tp. HCM. tái bản, sđd., 2001, tr. 369 – 371. Về bộ sách Chống xâm lăng của GS. Trần Văn Giàu, tôi đã có dịp phê phán trong các chú thích trước thuộc bộ truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu này. Những các ý tưởng phê phán cụ thể hơn, xin xem: Trần Xuân An, Nguyễn Văn Tường, “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được” (NVT., NNTNTX., TKHĐ.), khảo luận và phê bình sử học, sắp xuất bản (2002).

(88) Dẫn theo: CXL., Nxb. Tp. HCM. tái bản, sđd., 2001, tr. 371 – 372.

(89) Dẫn theo: CXL., Nxb. Tp. HCM. tái bản, sđd., 2001, tr. 370.

(90) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 100.

(91) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 100 – 101.

(92) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 101.

(93) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 104 – 105.

(94) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 106.

(95) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 106.

(96) Nguyễn Đắc Xuân, Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành (PCĐT. TrTTh.), [trong đó có in lại bài viết của Đào Duy Anh trong Tập san Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des amis du vieux Huế [BAVH.], Cadière làm chủ bút, số 4 – 6/ 1944), bản dịch Bùi Trần Phượng], Nxb. Thuận Hóa, 1992, tr. 35, 83.

(97) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 106 – 107.

(98) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 107.

(99) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 107.

(100) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 108.

(101) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 108 – 109.

(102) Dẫn theo: CXL., Nxb. Tp. HCM. tái bản, sđd., 2001, tr. 376.

(103) Trích nguyên văn: CXL., Nxb. Tp. HCM. tái bản, sđd., 2001, tr. 376.

(104) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện (ĐNLT.), bản dịch Viện Sử học, tập 4, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 315.

(105) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 110.

(106) Dẫn theo: CXL., Nxb. Tp. HCM. tái bản, sđd., 2001, tr. 377.

(107) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 128.

(108) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 192.

(109) NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 81 (Tsuboi trích thư Henry Rivière gửi Puginier, ngày 14.11.1882).

(110) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 109.

(111) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 109.

(112) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 109 – 110.

(113) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 110 – 112.

(114) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 112.

(115) CXL., Nxb. Tp. HCM. tái bản, sđd., 2001, tr. 386, 388, 532. “Còn tại Huế, sứ Pháp là Rheinart thuyết khách cho đến đỗi triều đình đã nhận về nguyên tắc là cần làm thêm một bản phụ lục cho hòa ước 1874, trong phụ lục này sẽ ghi chữ “bảo hộ”” (TVG., trong CXL., sđd., tr. 386).

(116) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 116.

(117) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 118.

(118) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 118 – 119.

(119) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 119 – 120.

(120) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 134, 145 – 146.

(121) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 22.

(122) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 113 – 114.

(123) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 116.

(124) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 118.

(125) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 126.

(126) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 132.

(127) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 122.

(128) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 126 – 128.

(129) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 128 – 130.

(130) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 121 – 122.

(131) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 136.

(132) TVTĐ., tập 2, Nxb. Thuận Hoá, sđd., 1996, tr. 218 – 223.

Chú thích xong lúc 08 giờ ngày 14.02.2002
(13.01 Quý mùi, năm thứ hai công nguyên Hòa Bình [:HB.2]).


TRẦN XUÂN AN


Hết tệp 3
(phân đoạn 3, truyện kí 9)

Xin xem tiếp tệp 4
(phân đoạn 4, truyện kí 9)
thuộc TẬP III bộ sách “PCĐT. NVT.”

0 Comments:

Post a Comment

<< Home