TRAN XUAN AN - PCDT NGUYEN VAN TUONG (tap III A)

Saturday, December 17, 2005

PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (tập III A tệp 2)

Tệp 2 – Tập III Blog A
(PHÂN ĐOẠN 2 TRUYỆN KÍ THỨ 9)


TRẦN XUÂN AN

BẮC KÌ, TƯỞNG CHỪNG LẶP LẠI


Truyện kí thứ chín
(phân đoạn 2)

6

Tháng bảy nhuận, tổng thống thuỷ sư Pháp Đa Phù Cô (?) lại ngang nhiên du thám một loạt tỉnh Bắc Kì, từ Hải Dương đến Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Sơn Tây, Hưng Hoá và cả đạo Mỹ Đức (thuộc Hà Nội, mới đắp thành luỹ) (44). Y lại phái viên thương biện Ô Mốt (?) đến Lạng Sơn khảo sát địa hình, địa thế (44)! Thế là từ đầu năm đến nay, Pháp đã mấy lần vin vào danh nghĩa “y tế”, “du học bác vật” để trắng trợn toan tính vận động người thượng du từ Nam đến Bắc, để trắng trợn khảo sát thực địa, phục vụ cho âm mưu đánh chiếm Bắc Kì, và chắc hẳn không chỉ Bắc Kì…
Trước tình hình căng thẳng ở Bắc Kì, Phạm Thận Duật mật tâu bốn kế sách đối phó về quân sự (45). Có một điều là Phạm Thận Duật cho rằng quân ta sử dụng súng không được giỏi, nên cần chú trọng đến các vũ khí thô sơ và chiến thuật phục binh đột kích, đánh úp ban đêm. Các đại thần Viện – Bạc, trong đó có cả Phạm Thận Duật, đã cùng nhau bàn luận, bổ cứu thêm. Tất cả bốn đại thần đều xác định giặc Pháp mạnh về tàu thuỷ, về súng đạn có sức công phá lớn, cho nên, giữ mặt biển là rất khó. Do đó, một là, phải lo trù tính thêm việc củng cố hệ thống sơn phòng (làm thành luỹ, kho chứa…). Hai là, việc giữ đường sông rất cần thiết, phải khảo sát thước tấc lòng sông, lưu lượng nước sông, đồng thời lo đóng thuyền chở sẵn đá, để ngăn sông. Điều thứ ba, phải tổ chức, luyện tập việc cứu viện nhanh. Viện – Bạc cho rằng không thể không dùng súng: “Việc binh có súng ống, có thể mạnh thế quân mà đánh giặc tự đằng xa. Nếu câu nệ là không giỏi mà muốn dùng thứ khác, sợ không phải là tốt cả”, “không phải xác định dùng khiên, mộc, gươm ngắn, tay thước làm gì” . Phải dùng súng Tây, và tất nhiên phải vận dụng chiến thuật đánh úp, phục kích, phải xét đến thời điểm bọn giặc được cấp phát rượu (có chất kích động?) để kích thích sự hung hăng khi xuất trận, ấy là điểm thứ tư. Kế hoạch này cần tuyện đối bí mật, phòng thủ theo chiến thuật hư binh (tăng cường phòng thủ nhưng không để lộ tiếng tăm, dấu vết), chứ không phải phòng thủ theo lối thị uy lộ liễu, bởi Pháp sẽ vin vào “hoà” ước để trách cứ ta. Thượng thư Bộ Hình Phạm Thận Duật thật lòng thấy rõ là ông đã được sáng thêm nhiều lẽ trước sự bổ cứu của tập thể tứ trụ triều đình, trong đó có ông (45).
Sau cuộc họp Viện – Bạc hơn nửa tháng, vào khoảng gần cuối hạ tuần tháng tám nguyệt lịch năm Tân tị (1881) này, sự khiêu khích của Pháp đã trắng trợn, rõ rệt hơn. Trước đây, De Champeaux còn mượn miệng linh mục hành nhân Nguyễn Hoằng để thách thức, hăm doạ triều đình, rồi y lại chối phắt. Nay, chính Rheinart nói thẳng với quan Thương bạc Nguyễn Trọng Hợp.
“Lúc bấy giờ, sứ nước Pháp là Lê Na [Rheinart] đã sang thay, nói với quan Thương bạc [lúc này là Nguyễn Trọng Hợp]:
“Trong hoà ước có nói, nước ta có việc, nước ấy phải giúp, tuy không nói rõ là “bảo hộ”, nhưng ý nghĩa đã bao hàm ở trong. Nay khoản ấy triều đình nước ấy đã định làm, mà làm như thế, nước ấy [nước Pháp] không lấn quyền nước ta, chỉ bắt ta không được giao thiệp với nước khác thôi. Ta nếu không nghe, nước ấy cũng bắt làm cho được”.
Triều đình rất lấy làm lo” (46)
.
Đó là nỗi lo xen lẫn với niềm phẫn nộ. Nhà vua, đình thần và biên thần đều quá rõ âm mưu “tàm thực” từ lâu của thực dân Pháp và các nước Âu Mỹ khác, không riêng với nước Đại Nam ta, mà cả với các lục địa Á Tế Á (Asia), A Phi Lị Gia (Africa), Nam Mỹ Lợi Kiên (South America) và châu Úc Đại Lợi (Australia, châu Đại Dương). Nước ta nhận thức rõ thế yếu của mình, cả về công nghệ, thương mại lẫn lực lượng quân binh, nhất là vũ khí. Lịch sử dân tộc có những giai đoạn hào hùng, quật khởi bi tráng, đánh bại những triều đại hung hãn và hùng mạnh nhất của Trung Hoa, kể cả ba lần chiến thắng, đập tan lực lượng xâm lăng cuồng bạo của đế quốc Nguyên – Mông vô địch thế giới, nhưng hiện tại của bản triều nhà Nguyễn là suy trầm, lạc hậu đến bi thảm và bi hài. Nhận thức ấy là trí, không hề hoang tưởng về thực lực đương thời của nước mình, các lân bang, và các nước cùng chung vận mệnh. Cái dũng không thể không đặt trên cơ sở cái trí. Nhưng cũng không có nghĩa phải khuất phục thảm hại trước uy vũ của bạo cường.
Vẫn giữ vững cái dũng một cách mềm dẻo: cương cường trong nhu nhược (47), Viện Cơ mật – Thương bạc tuân chỉ dụ của vua Tự Đức, lại cùng nhau bàn luận để tìm ra một đối sách thích ứng với tình huống, phù hợp với thực lực.
Sau nhiều cuộc họp ở Tả vu Điện Cần chánh, một bản tập tâu đã được tứ trụ triều đình dâng trình lên vua. Bốn đại thần Viện – Bạc, từ Trần Tiễn Thành (người Huế, gốc Minh Hương), Nguyễn Văn Tường (người Quảng Trị), Phạm Thận Duật (người Ninh Bình) và Nguyễn Chính ([Chánh], người Bình Dương, Biên Hoà, Nam Kì) đều thật sự cảm thấy có gì thật thương tổn đến đến niềm tự hào, tự trọng khi cần phải nhận thức thật đúng về thực lực của Đất nước và của các nước cùng chung vận mệnh khốn khó trước hiểm họa thực dân da trắng. Nhận thức thật chính xác về thực lực, thấy thật rõ những yếu kém, lạc hậu và cũng phải thấy những gì có thể vận dụng để đối phó trước mưu toan của Pháp. Đó là mưu toan xâm lược Bắc Kì, đòi “bảo hộ” triều đình Đại Nam. Chính tên khâm sứ Rheinart lần này trắng trợn nói ra như thế với Nguyễn Trọng Hợp! Gần đây, để bảo đảm sự xác thực của những tâu báo từ Nha Thương bạc do Nguyễn Trọng Hợp quản lí, nhà vua đã cho phép các quan chính khanh (thượng thư, đại thần Viện – Bạc) có quyền trực tiếp tiếp xúc với khâm sứ Pháp (48). Và thật sự Rheinart thừa nhận chính y đã nói thẳng với triều đình thông qua Nguyễn Trọng Hợp như thế. Đó là sự thật. Và đồng thời đó cũng là một sự thách thức ngạo mạn.
Bản tập tâu kí tên chung của Viện – Bạc đã hình thành trong tâm thế chung như vậy, với bốn sắc thái và mức độ khác nhau của bốn đại thần. Trong bốn đại thần, Trần Tiễn Thành và Nguyễn Văn Tường đã chia về hai cực, nhưng Trần Tiễn Thành vẫn là người muốn tranh thế thắng cho khuynh hướng buông xuôi, đầu hàng, thường tự gọi bằng từ chủ “hoà”. Dẫu sao, không phải Trần Tiễn Thành muốn làm gì, tâu gì cũng được, nếu lấy danh nghĩa là Viện – Bạc. Tinh thần chung của đối sách có tính tình huống vẫn là: cương cường trong nhu nhược!
“Quan Viện Cơ mật – Thương bạc tâu nói:
“Tướng và sứ nước [Pháp] ấy để ý đã lâu, nay tính sẽ làm, mưu đã sắp thành, tưởng cũng khó tranh luận khúc chiết với [bọn tướng, sứ] nước ấy. Tất [:ắt hẳn] phải phái người sang nước ấy, hoặc [:may ra] có thể làm việc được. Khâm phái Nguyễn Thành Ý là người tài giỏi, sáng suốt, am hiểu. Xin phái biện lí Nguyễn Lập thay làm lãnh sự, để cho Nguyễn Thành Ý về kinh, rồi bàn hỏi tình trạng gần đây cử động nước ấy thế nào, có nên phái người sang nước ấy, đem tình, ý [:chính kiến] của ta cùng sự lí biện bạch, khiến cho công lí được rõ ràng, hoặc có thể bài giải được. Việc đi ấy, nghĩ nên [thông] tư trước cho tướng và sứ nước ấy, nói hai khoản ta [trước đây] đã [từng] nói: về đặt sứ [bố trí khâm sứ Đại Nam, tại Paris] và sai sứ đi [Paris]; thì việc đặt sứ hiện nay đợi làm, còn như sai sứ đi là tình nghĩa hỏi thăm nên như thế. [Sứ thần] nước ta nhất định phải đi. Nếu nước ấy có thuyền công, cho tiện đáp cũng tốt. Không được như thế cũng nhân tiện đáp thuyền khác là ổn. Như thế nước ấy khỏi ngờ, mà nước ấy không nói vào đâu để ngăn cản được. Việc ấy nghĩ nên làm ngay, khỏi lỡ việc sau”.
Vua bảo rằng:
“Việc ấy trọng đại, tưởng nước ấy chưa dám trái lời ước [:“hoà” ước], yêu cầu [:yêu sách] ngay. Nhưng BỌN NGƯƠI [xin nhấn mạnh: đại từ số nhiều – TXA.] ở ngoài giao tiếp với nước ấy, và kiến văn hẳn rộng, tính trước việc cho khỏi lo, [việc] nên theo, để cho làm hết chức phận”.
Quan Cơ mật viện và Thương bạc lại tâu nói:
“Nước ấy đã mưu, không phải một ngày. Nay chưa phát ngay, nhưng cũng chưa thôi hẳn. Nay nếu ta chỉ đến nước ấy, nói phân trần, sợ chưa chắc đã có cơ hội; mà ngăn ngừa ta giao thông với nước ngoài, là chỗ giảo quyệt của nước ấy. Duy trong ước [“hoà” ước Giáp tuất 1874] có một điều, “nước ta muốn định thương ước với nước nào đều được tuỳ tiện”, thì nước ấy đâu có thể trái lời ước được. Nhưng ta từ trước đến giờ chưa giao thông với các nước, mà nước ấy không khỏi giữ ngầm ở trong, nên sáu, bảy (06, 07) năm nay, các nước chưa nước nào đến định thương ước với nước ta. Gần đây ta cùng với nước Y Pha Nho định ước, giao ước với nhau đã lâu, mà nước ấy [nước Y Pha Nho] cũng chưa có đến, thì tình [:lòng dạ, ý đồ của Pháp] có đáng ngờ; cũng là [bởi] tình [:quan điểm, chính kiến] của ta chưa thông với các nước, cho nên nước ấy [nước Pháp] mưu làm tự chuyên. Vả lại giao thiệp với nước ngoài thực khó, ta chỉ sợ khích nước ấy, lòng mưu [mô thôn] tính ta, vì đó lại phát ra. Nay mưu nước ấy sắp thành, ta há nên không giải quyết sớm, huống chi ta cũng cứ lí mà làm, làm sáng cho chúng biết, có trái ước gì đâu, mà chúng vin cớ để nói được. Nguyễn Thành Ý bất nhật cũng về [kinh đô Huế]. Xin chờ chỉ [dụ] phái đến nước ấy hỏi thăm, và đem việc ấy biện thuyết. Nhân [đó] đến ngay các nước [khác] cũng tiện.
Nhưng tự trước đến giờ [nước ta] thường bị nước ấy ngăn trở, vì ta không có tàu, chỉ đáp tàu với nước ấy, tùy theo nước ấy đi hay đứng mà phải thế. Nay xin sửa soạn tàu của ta, chọn người ở triều đình có lòng đảm đương công việc, lấy hai, ba người, lấy cớ đi tìm học về bác vật, như nước Thanh cho người đi học các nước, [thông] tư rõ trước cho nước ấy biết. Đến lúc đi thì đến nước [Pháp] ấy trước; [sau đó,] nhân [dịp] chuyển đi các nước Y [Tây Ban Nha], Anh, Phổ [Đức], Mỹ, khiến cho các nước biết ta tự chủ, nhân đó mà thông suốt tình ý [:chính kiến nước ta]. Tục Thái Tây [Âu Mỹ] thích giao thiệp chơi bời với nước xa. Ta đến, tự khắc không nước nào không nhận. Tưởng cũng có nước muốn giao thiệp thông thương với nước ta, thực [sự] khiến cho tình [:chính kiến] của nước ta thông suốt các nước. [Được thế] thì nước ấy không thể tự ý làm càn được. Nếu nước ấy có lòng nào bắt ức ta, ta cũng có thể cùng các nước điều đình giúp bàn lại, tưởng cũng là một kế đấy.
Lại xét đến tàu máy hơi nước: Hiện có tàu Lợi Đạt và tàu mới đóng ở Hương Cảng, cũng có thể đi được. Duy người ngắm hoa tiêu và máy tàu tất phải thuê người Tây [dương (:người Âu Mỹ)], mới có thể quen biết đường biển đi sang Tây [châu Âu, châu Mỹ]. Người nước ấy ra làm công là thói thường của nước Tây [dương]. Tàu thuỷ, tàu binh của nước Thanh đều thuê người Tây làm ngắm hoa tiêu và [lái, chữa] máy tàu, tức như những tàu buôn ở nước ta cũng đều thuê người Tây [dương], không có trở ngại gì. Xin tư trước cho khâm phái ở Hương Cảng là Phạm Bính, Hà Văn Trung thuê sẵn người Tây [dương] ngắm hoa tiêu và [lái, chữa] máy tàu đều một người. Đợi quả quyết đi, sẽ làm việc. Còn tàu đi cũng nên đáp tải ít nhiều hàng hoá, vừa đủ tiền phí tổn nhỏ. Việc ấy nếu được chuẩn y, thì công việc nên làm sẽ do quan có trách nhiệm chiểu từng khoản, bàn định trước.
Lại việc này còn xa, nay gần mà có thể giao thông được thì ở Yên Kinh [kinh đô nước Thanh], sứ các nước đều ở đấy. Nhiều lần sứ bộ ta sang Yên Kinh chưa biết bàn đến việc ấy, vì sự thể giao tế khác nhau, cho nên khó làm. Nay có Cục Chiêu thương chở hàng thuê, do quan ở Cục ấy giới thiệu, tưởng cũng là một cơ hội. Gần đây tiếp được tin báo Đường Đình Canh tháng này cũng đến, xin do BỌN TÔI [xin nhấn mạnh: đại từ số nhiều – TXA.] thương thuyết, nhờ viên ấy ngỏ ý với Lý Hồng Chương, nhờ mật dò ý [của] sứ các nước Anh, Mỹ, Phổ [:Đức], để nắm được cốt yếu, thông thuyết giúp cho. Còn sứ Y Pha Nho ở đấy, nước ấy đã định ước với ta, thì nên bàn với họ. Nước Thanh gần đây tranh nước Lưu Cầu [: nước Riu Kiu, nay là đảo Okinawa] với nước Nhật Bản mà không được [vì có sự can thiệp của tổng thống Mỹ Grant]. Nay nước ấy [nước Thanh] làm việc cho ta, cũng là làm việc cho nước ấy [:nước Thanh bảo vệ nước ta, cũng chính là bảo vệ phên giậu phía nam của nước Thanh]; tưởng cùng nòi giống [da vàng] với ta cũng lo [:lo âu về các nước thực dân da trắng], tất hết lòng mưu thực mà việc chóng xong. Việc ấy năm trước có một nhật báo cũng có ý như thế. [Ý ấy đã có người đăng báo] cũng có thể biết là lẽ ấy ai cũng đều biết. Nay xin cùng với các khoản trước, xin chọn phái, đều phải cùng làm, may ra dẹp tan được [tham vọng, âm mưu xâm lược của Pháp], để giữ toàn cục”.
Vua bảo rằng:
“Hiện nay đương mưa lụt. Đợi [Nguyễn] Thành Ý về [kinh đô Huế], hỏi rõ, và tàu bè đủ, mới có thể nói đến việc đi [sang Pháp và các nước Âu Mỹ như đã bàn]”” (49)
.
Như vậy, trong tháng bảy, tháng tám năm Tân tị (1881), tập thể Viện – Bạc và vua Tự Đức đã vạch ra kế hoạch tăng cường phòng thủ hư binh và đối sách phá vỡ sự cấm vận, bao vây ngoại giao của thực dân Pháp. Sứ bộ đi Pháp cũng đang được tuyển chọn, lên danh sách.
Tuy vậy, mọi việc đều ứng xử như chưa có gì xảy ra.
Tháng chín, Bắc Kì cũng đang lâm vào cảnh tiêu điều vì thiên tai bão lụt. Phan Đình Phùng và Đặng Trần Hanh được cử ra để cứu trợ, phát chẩn (50). Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường tuân lệnh dụ hỏi han về tình hình thiên tai ở Bắc Kì (51).
Tháng mười nguyệt lịch, một cách ngang nhiên, “phái viên nước Pháp đi xem các mỏ ở Quảng Nam và Bắc Kì” (52) , cũng như tháng trước, bọn thương nhân Pháp “theo đường Hưng Hoá đi Vân Nam, đến Lũng Lỗ, cùng khiêu khích với đoàn quân Lưu Vĩnh Phúc rồi trở về. Lãnh sự Pháp [lại] đem việc ngăn trở việc buôn trách ta” (53)! “Lê Na [Rheinart] tư vị, cố chấp ngang ngược (như việc bênh vực tên Đỏ [thuộc hạ của y])” (54) lại là một việc có thể nói là cố tình khích biến. Do đó, Trần Thúc Nhẫn, tả thị lang Bộ Lễ, đã được phái vào Gia Định để “tranh luận cho khúc chiết” (55) .
Tình hình ở Bắc Kì vẫn được lưu ý nghiên cứu, theo dõi. Trong đó, có một sự đánh giá khá ưu ái về những người Việt gốc Chăm, gốc Xiêm:
“Bãi bỏ binh đội Lạc Hoá phủ Lý Nhân (thuộc Hà Nội). Tiên tổ nước ấy trước là hai đội Chiêm Hậu, Xiêm Hậu (đều là người man [!!!]), [vốn có] tài bắn súng nỏ. Trước khi dẹp yên cả nước, chúng hết sức theo việc nghĩa, sau để đóng ở Bắc Thành. Khoảng năm Gia Long, phái đến trấn Sơn Nam. Khoảng năm Minh Mệnh đổi tên đội, [hệ] thuộc vào trấn ấy. Sau đổi trấn làm phủ, vẫn theo phủ sai phái. Đến nay con cháu không có nghề bắn giỏi, mà vỡ đất lập phường, cùng với người Kinh không khác. [Nay] bèn [bãi] bỏ [binh đội ấy] đi, cho vào [họ được vào] sổ đinh chịu thuế ở phường Quy Lưu [như mọi tráng đinh người Kinh]. (Năm Minh Mệnh thứ 20 đội man ấy có đơn xin trưng 20 mẫu đất đất lậu. Năm Tự Đức thứ 3, chuẩn cho đặt là phường Quy Lưu)” (56) .
Không chỉ những người Việt gốc Chăm, gốc Xiêm [Thái Lan] “hết sức theo việc nghĩa”, “cùng với người Kinh không khác” ấy ở Bắc Kì, triều đình mỗi lần ban ân chiếu, đều có một điều khoản khoan hồng những người đồng bào thiểu số can án (mức án lưu đày, phân sáp, làm dân lưu, làm nô bộc), vốn có nguyên quán ở các tỉnh tả kì phía nam kinh đô Huế (từ Quảng Nam vào Bình Thuận) và ở Nam Kì:
“Nguyên phân sáp, an trí những người man [!!!],người [Thuỷ Chân] Lạp làm dân, làm nô ở từ các tỉnh hữu kì về phía nam [từ Thanh Hoá trở vào], trừ người nào đã thành sản nghiệp, tình nguyện xin lưu ở lại nên cho, ngoài còn dư, đều được thả, về quê cũ yên nghiệp” (57) .
Tuy thế, không có ân chiếu nào có điều khoản khoan hồng cho những người Chăm, người Thuỷ Chân Lạp bị can án ở mức độ trầm trọng hơn, phải lưu đày xa hơn (lưu tột bậc: ba nghìn [3.000] dặm), từ Ninh Bình đến các tỉnh biên giới phía bắc. Dẫu sao, cho dù ở trường hợp nào, những người đồng bào thiểu số ấy, mấy chục năm nay chưa thấy và hẳn sẽ không thấy có sự liên hệ nào với “tả đạo” hoặc “phù Lê”, hoặc câu kết với giặc Pháp. Ở phủ Lý Nhân chỉ đôi khi xảy ra nạn cướp, hẳn do bọn giặc cỏ từ đâu lẻn tới: “Hà Nội trước [đây], nhân có việc [03.1882], xử trí chưa xong, nhiều lần phủ Lý Nhân báo có cướp…” (58) .
Hạ tuần tháng mười một Tân tị (1881), nguyên hiệp đốc Tôn Thất Thuyết mới được bổ làm thự thượng thư Bộ Binh (59), và sau đó không lâu, ông kiêm lãnh cả Hải phòng sứ kinh kì (60), tổ chức việc phòng thủ ở cửa biển Thuận An. Lê Hữu Tá chuyển sang lãnh đạo Bộ Công.
Sau hai tháng nghiên cứu tình hình, sắp xếp lại nhân sự ở bậc chính khanh, sứ bộ sang Pháp cũng đã được tuyển chọn xong. Chánh sứ: Nguyễn Trọng Hợp (người Hà Nội, được vua khen ngợi), phó sứ: Nguyễn Thành Ý, tham biện: Vũ Ngọc Tuân, Phạm Như Xương (61). Nhưng tình hình đã bị đẩy đến mức căng thẳng, rồi bùng nổ, do ý đồ xâm lược bằng vũ trang của thực dân Pháp. Vì vậy, kế hoạch đưa sứ bộ sang Pháp và các nước châu Âu bị tình huống ấy phá vỡ.
Bằng những chiếc kim khánh ngoại giao, nước Y Pha Nho lại trang tặng vua Tự Đức cùng các đại thần Viện Cơ mật, cựu tổng lí thương chính, các nguyên sứ thần trước đây: Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Phạm Phú Thứ, Đỗ Đệ, Hoàng Diệu (62). Nhưng mối quan hệ ngoại giao ấy vẫn bị Pháp ngáng trở trong kế hoạch bao vây, cô lập ngoại giao nước ta của chúng! Nhận định của các đại thần Viện – Bạc: “Gần đây ta cùng với nước Y Pha Nho định ước, giao ước với nhau đã lâu, mà nước ấy [:nước Y Pha Nho] cũng chưa có đến, thì tình [:lòng dạ, ý đồ của Pháp] có đáng ngờ; cũng là [bởi] tình [:quan điểm, chính kiến] của ta chưa thông với các nước, cho nên nước ấy [nước Pháp] mưu làm tự chuyên” (63) . Nay, với những chiếc kim khánh ấy, quan hệ vẫn chưa hé lộ được tia sáng nào trong tháng chạp.
Triều đình nước ta vẫn tăng cường phòng thủ với chiến thuật hư binh, vẫn ra sức phá vỡ sự bao vây, cấm vận về ngoại giao, kể cả việc Pháp ngăn cản sự canh tân, chúng đang cố quyết tiến hành!
Phái đoàn sang Hương Cảng, trong kế hoạch mở rộng ngoại giao và xúc tiến việc canh tân, đã trở về. Trưởng phái đoàn Lê Đĩnh, cùng hai thành viên khác, Phạm Bính và Hà Văn Quan, đã được vào triều chờ tâu trình.
Nhà vua hỏi bằng sắc chỉ: “Ngươi ở Hương Cảng có nghe biết sự gì? Và họ có nói gì đến việc nước ta không?” (65) .
Quan khoa đạo Lê Đĩnh, nguyên trưởng phái đoàn tâu về tính chuyên nghiệp của quan chức và binh lính Anh. Quan chức chuyên nghiệp đã đành, lính của Anh cũng chỉ thuần là lính chuyên nghiệp, không bắt lính làm những việc khác ngoài việc binh. Ông lại tâu: “Các nước Thái Tây [:Âu Mỹ] giàu mạnh, không ngoài việc buôn và việc quân mà thôi. Lấy sức tàu binh để bảo vệ tàu buôn. Tất [nhiên] phải trước hết lấy thuế tàu buôn để nuôi tàu binh. Cho nên, chỉnh đốn việc thông thương rất nhanh. Gần đây nước Nhật Bản theo gót Thái Tây, thông thương khắp nơi. Nước Thanh cũng bắt chước mà làm, dần dần cường thịnh. Ở Hương Cảng thì đặt Cục Chiêu thương, đóng tàu thuỷ vận tải khách và hàng hoá; lại xướng xuất đặt công ti Triệu Hưng, đi sang nước Anh buôn bán, để làm cớ mở mang việc buôn; lại còn chọn thanh niên tuấn tú đi các nước học tập kĩ nghệ, hoặc đón thầy các nước về. Hiện nay các nghề làm súng, đóng tàu, cho đến bao diêm, đá lửa, lần lượt làm được cả. Hoặc [hai nước ấy] khen nước ta sản vật vốn phong phú (như mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ than), người phần nhiều thông minh, nếu biết cố gắng làm việc thì dân giàu nước mạnh, tự khắc chẳng khó. [Họ cũng bảo,] duy chỉ văn thư rất phiền phức, làm việc phần nhiều câu nệ trở ngại mà thôi” (64) .
Thượng thư Nguyễn Văn Tường đã từng suy nghĩ rất nhiều về tập tâu trước đây của Nguyễn Tăng Doãn, Nguyễn Thành Ý khi phái bộ sang Pháp và các nước châu Âu về. Lần này, ông so sánh tập tâu của sứ bộ sang triều Thanh, chánh sứ là Phan Sĩ Thục, cũng trước đây, hồi năm Bính tí (1876), với tập tâu của trưởng phái đoàn Lê Đĩnh bây giờ (Tân tị, 1881), và không thể không đăm chiêu, nghĩ ngợi. Đúng như nhà vua thường nói, “không tiến tức là lùi” (65). Nhưng ở nước ta, nội một chuyện tiễu phỉ cũng đã hao kiệt công sức, ngân sách, kho tàng nhiều rồi, lại phải thường xuyên đối phó với kế hoạch “tàm thực”, bao vây, cấm vận không ngừng của giặc Pháp, thật không thể nào rảnh tay, thoát khỏi để vươn lên được. Do đó, kế hoạch phá vỡ sự kìm hãm của giặc Pháp đã vạch ra, trong đó, hướng mở về phía nhà Thanh, tạo thế ngoại giao trung lập, đối trọng. Không thể muộn hơn được nữa, cho dẫu Pháp tìm cách ngăn cản đến mức nào! Chính tập tâu của Lê Đĩnh khiến thượng thư Nguyễn Văn Tường càng củng cố quyết tâm của ông hơn bao giờ hết.
Bỗng dưng, ông lặng người khi nghe tin từ Quảng Nam ra: Phạm Phú Thứ về quê chữa bệnh, nay đã qua đời (66)! Thế là sau á khanh Lê Đình Tuấn, nay triều đình lại gặp thêm một cái tang đường quan!
Dẫu thế, cũng phải chuẩn bị tinh thần để lại tiếp xúc với Đường Đình Canh. Thượng thư Bộ Hộ sung chức đại thần Viện Cơ mật – Thương bạc và là đại thần kiêm quản Cục Thuyền chính Nguyễn Văn Tường biết rằng đây là một cuộc tiếp xúc ngoại giao hết sức quan trọng, quyết định bước ngoặt rõ rệt của triều đình và tất nhiên, của chính ông (67).
“Vua cho là quan nước Thanh vào yết kiến, sợ sinh ngờ; bèn cho Nguyễn Văn Tường bàn kín với Đường Đình Canh.
[Đường] Đình Canh nói: “Tháng mười năm nay, khâm sai nước Thanh đóng ở nước Anh là Tăng Kỷ Trạch báo tin rằng: “Nghị viện nước Pháp bàn kín, Bắc Kì nước ta đất cát màu mỡ, núi sông lại có mỏ vàng, bạc, đồng, sắt, than đá, xét ra tình thể, chỉ giở bàn tay là xong. Lãnh sự nước Pháp là Thoát Lãng lại đã xin đem một, hai nghìn [1.000 – 2.000] quân đánh lấy Bắc Kì. Nghị viện nước Pháp đã chuẩn y. Chẳng bao lâu tất đem quân nước ấy cùng các đạo quân ở Tây Cống [:Sài Gòn] khẩn cấp cùng phát đi. Còn [Pháp] nói là đuổi Lưu Vĩnh Phúc, chỉ là nói thác ra mà thôi. Vua nước Thanh giao cho các nha môn quân cơ bàn cho thỏa đáng, cho nên tổng đốc tỉnh ấy phái đạo viên ấy báo tin cho nước ta, phải mưu tính ngay để mong giữ được”.
Vua cho là thư của tổng đốc ấy đã hồn nhiên, ta cũng không nên lộ; sai [Nguyễn] Văn Tường mật dặn [Đường] Đình Canh ba việc:
+++ Nước ta triều cống nước Thanh, các nước đều biết. Nước Thanh đặt Tổng lí nha môn, công luận ở đấy. Nếu họ sinh lòng trái lời ước thì nước Thanh nhận làm thuộc quốc của nước Thanh, [để] cùng với các nước tranh luận, thì họ cũng không dám trái công luận để làm theo ý riêng. Nhưng cho nước ta đặt quan đón đón chờ [:quan tiếp tân, quan ngoại giao] ở kinh đô nước Thanh, nếu có việc gì, được tố cáo ở Tổng lí nha môn.
+++ Ở Quảng Đông, hiện nghe lãnh sự các nước phần nhiều đóng ở đấy. [Triều đình Đại Nam] muốn nhờ quan tổng đốc Quảng Đông tâu xin [vua Thanh] cho nước ta đặt một lãnh sự ở đấy để tiện đi lại buôn bán, thông báo tin tức, nhân cùng giao du với các nước để thông hiểu tình ý.
+++ Nước ta muốn phái người đi khắp các nước như các nước Anh, Nga, Phổ, Pháp, Mỹ, Áo, Nhật Bản, xem xét và học, [nhưng] chưa được thuận tiện. Nước Thanh có tàu thường đi lại các nước ấy, [ta] muốn nhờ đáp đi, [hẳn] không trở ngại.
Đến khi [Đường] Đình Canh về, vua sai viết thư trả lời tổng đốc Quảng Đông. Đại khái nói: “Đầu mối việc ấy, đã hiểu qua cả. Nay nên làm thế nào mà có thể được tiện, [thì] đã như đạo viên họ Đường trình bày ở trước mặt tất cả”.
Và [ngoài ra, nhà vua còn bảo] gửi thư cho thự lí thông thương khâm sai đại thần nước Thanh là Lý Hồng Chương.
Lại đều đem đồ vật gửi tặng: tặng Trương Thụ Thanh, Lý Hồng Chương mỗi người một đôi ngà voi hạng nhất, một cái sừng tê hạng nhất. Sau, tổng đốc họ Trương [Trương Thụ Thanh] đem đồ vật ấy trả lại, nói rằng, nhận sợ nước Pháp ngờ, có việc khó giảng thuyết; tổng đốc họ Lý [Lý Hồng Chương] cũng lấy thơ và tờ khải đưa cho, để tỏ tình cùng khuyên về ý đều phải tự cường” (67)
.
Đó là cuộc tiếp xúc ngoại giao vào một ngày gần cuối tháng chạp, năm Tự Đức thứ ba mươi bốn, Tân tị (1881, đầu năm 1882).
Thượng thư Nguyễn Văn Tường không bất ngờ nhưng thật lòng không thể không thấy thế yếu hiện thời của Trung Hoa “thiên triều”! Ngay chính Trương Thụ Thanh cũng sợ nước Pháp ngờ vực Trung Hoa, khi Đại Nam – Trung Hoa đã cố gắng thắt chặt hơn quan hệ. Nhưng thượng thư Nguyễn Văn Tường càng buồn hơn khi thế nước ta hiện nay là vậy, nên không cách nào khác, chính ông phải tuân chỉ dụ, đặt vấn đề: “Nếu họ sinh lòng trái lời ước thì nước Thanh nhận [nước ta] làm thuộc quốc của nước Thanh, [để] cùng với các nước tranh luận, thì họ cũng không dám trái công luận để làm theo ý riêng” (67) . Điều ấy, thật mất quốc thể! Nhưng dẫu sao, nước ta phải tìm một chỗ dựa để đấu tranh giữ quyền độc lập, tự chủ trước sự lấn hiếp của Pháp; phải tìm một chỗ đứng để có thể đấu tranh trước công luận ở tại Thiên Tân, nơi có nhiều lãnh sự các nước; phải tìm cách đưa người đi du khảo, học tập công nghệ cơ khí, điện báo ở các nước tiên tiến.
Thượng thư Nguyễn Văn Tường nghĩ đến thế trận “toạ sơn quan song hổ đấu” (ngồi trên núi xem hai con cọp đấu nhau). Hai con hổ đấu nhau, ắt có một con chết, một con bị thương nặng. Bấy giờ, nước Đại Nam ta sẽ thừa dịp giành lại hoàn toàn chủ quyền, hoàn toàn độc lập. Đó là một thế trận thật lòng không nên vận dụng với ý nghĩa như vậy. Thật lòng, ông chỉ muốn nước Pháp và các nước Âu Mỹ hãy ngừng lại cuồng vọng thực dân ghê tởm của chúng. Thật lòng, ông hi vọng nước Trung Hoa sẽ không tham lam, dùng sức tàn của mình để xâu xé nước láng giềng Đại Nam trong thế kẹt lịch sử. Nếu Trung Hoa giúp đỡ nước Đại Nam đồng cảnh ngộ trước hiểm hoạ thực dân da trắng, (đó là bọn cầm quyền ở các nước Âu Mỹ, mà hẳn nhân dân các nước da trắng ấy cũng phỉ nhổ, căm ghét chúng), thì Đại Nam ta sẽ mãi mãi ghi đậm trong sách sử những lời biết ơn trước tấm lòng láng giềng Trung Hoa trong sáng, nghĩa hiệp. Thế trận ấy, và tính chất của nó, còn tuỳ ở lòng dạ triều đình nhà Thanh Trung Hoa…

7

Nguyên hiệp đốc Tôn Thất Thuyết hết sức xúc động khi nhận được sắc dụ bổ nhiệm do vua Tự Đức ban cho. Ông bái tạ, lãnh nhận và sau khi tiễn chân các quan chức Bộ Lại thừa lệnh nhà vua, đến trao sắc dụ tận ngôi nhà của ông tại làng Vân Thê, huyện Hương Thuỷ, một làng quê nhỏ, ở phía nam kinh thành Huế.
Trong một buổi sáng tháng mười một hơi hửng nắng ấm, sau nhiều ngày dài mưa rét, nguyên hiệp đốc Tôn Thất Thuyết đã nghe đọc, lúc ông đang thi lễ trước hương án mới bày ra, hướng về kinh thành. Bây giờ, ông đang đọc lại một mình.
“Dụ rằng:
Nguyên thự tổng đốc sung hiệp đốc Tôn Thất Thuyết, bị bệnh đã lâu, trước đã chuẩn cho giải chức để về điều trị, nhiều lần cấp thuốc thang và cho thăm hỏi, nay đã được khỏi, lại biết gắng lên xin lai kinh [:đến kinh đô] sung chức để báo đáp ơn sâu. Trẫm khen là người có lỗi mà biết sửa đổi. Nhưng việc đã qua không nói đến nữa, để cho biết tự đổi mới. Vậy nay điều bổ chức thự Binh Bộ thượng thư, để cho xứng chức.
Và ngươi vốn giỏi về việc quân, trước ở tỉnh Thanh [Hoá] đã tự xin chỉnh đốn thao luyện quân sĩ, để có căn bản vững chắc, thì ngày nay đây, quân sĩ phần nhiều yếu kém, cần phải chấn chỉnh lại. Đó là trẫm rất mong vậy.
Ngươi phải đem hết tài năng để trù liệu. Trên thì có quản lí Trần Tiễn Thành là bậc lão thành, luyện đạt giúp đỡ khi cần. Dưới thì có các viên tham tá bàn định để công việc khỏi trái lệch.
Phàm các việc chấn chỉnh huấn luyện phải làm sao [càng] ngày [càng] được bổ sung, hùng tráng, việc võ được mạnh, kĩ thuật được tinh, để giúp nên văn giáo, mà gia uy đối với kẻ làm càn, tỏ rõ oai phong như có một uy thế không ai dám phạm. Đó là tài năng của ngươi, chớ nên coi thường mệnh lệnh của trẫm.
Ngươi trước kia có nhiều sai lầm, đều bởi khí huyết đang mạnh, học vấn lại ít, nên không tránh được trong một lúc có ý kiến sai lầm. Người ta ai chẳng có điều lỗi, nhưng quý ở biết sửa lỗi. Nếu đã tự biết lỗi, thì cũng không cần phải nói trách làm gì.
Từ nay về sau, ngươi càng nên lo sửa mình, lời châm tứ vật [thấy điều gì trái lễ thì chớ trông vào, chớ nghe vào, chớ nói vào, chớ động vào], chăm giữ chớ dời. Khi việc quan rảnh rỗi, nên đem bộ kinh Thượng thư và sách Luận ngữ, sớm tối đọc và thể nghiệm, thì có thể thấy rõ cái đạo vua tôi cha con, cái phép sửa mình trị người của thánh hiền, cho tới một việc gì, một vật gì [cũng] đều rõ ràng. Nếu ngươi biết thể nhận mà thực hành, tự nhiên sẽ biến hoá được khí chất, hàm dưỡng được đức tính, ngày thêm tiến lên cái cõi quang minh thuần tuý được, mà không tự biết, tức như là có thầy dạy bảo thừa sức, có cần gì biết rộng mà không thiết yếu vào thân.
Ngươi nếu làm được như thế, đó là cái may của ngươi, mà cũng là cái may của họ Tôn Thất nhà ta, có một người tài như thế.
Nhược bằng không làm được như thế, ấy là cái lỗi của ngươi, không phải là trẫm nói quá đâu. Ngươi nên cố gắng lên và ghi nhớ lấy. Trẫm nói đến thế mà thôi.
Còn như viên thự Binh Bộ thượng thư Lê Hữu Tá, nay đều bổ cho làm công Bộ thượng thư… […] …
Khâm thử! [Vâng ( dụ ) đấy!].
Ngày 27 tháng 11 [Tân tị, Nam lịch], năm Tự Đức thứ 34 (16 tháng giêng 1882)” (68)
.
Thự thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết đọc đi đọc lại sắc dụ của vua Tự Đức, ông biết tấm lòng của vua, mặc dù thừa nhận ông có tài năng thao lược, vẫn muốn ông bồi bổ thêm uy phong nghiêm chỉnh, lẫm liệt vốn có, và hơn nữa, nhà vua muốn ông phải tự trau dồi thêm về tư tưởng, tâm hồn, phải tự biết tự xét lỗi mình, tự trách lỗi mình, để không những là một dũng tướng, mà còn là một trí tướng (nho tướng), nhân tướng. Cái dũng, cái trí, cái nhân, phải thấm vào hồn, vào mọi hành vi, ý nghĩ, một cách tự nhiên nhi nhiên.
Học vấn ít ư?
Dẫu sao, nguyên hiệp đốc Tôn Thất Thuyết cũng là ấm sinh Quốc tử giám.
Ông tự nhủ, phải không ngừng tự học.
Và ông biết, ông phải cần đến một người bạn vong niên có một bộ óc uyên bác, một tấm lòng rộng rãi, bao dung, một nhân cách nho phong, quân tử, và cụ thể là người ấy phải yêu dân, yêu nước tha thiết, phải căm thù giặc sâu nặng, phải trung thành với triều Nguyễn. Vị nho tướng, đại trí ấy chính là thượng thư Bộ Hộ, bá tước Kì Vĩ, Cơ mật viện đại thần Nguyễn Văn Tường. Qua ngộ nhận năm ngoái, ông nhận ra ở Nguyễn Văn Tường những phẩm chất đáng quý. Bản thân Tôn Thất Thuyết là ông, ông cũng nhận ra chính ông qua ngộ nhận đáng tiếc ấy. “Người ta ai chẳng có điều lỗi, nhưng quý ở biết sửa lỗi” (68) . Nhà vua chẳng xem việc tự sửa lỗi là một đức tính quý báu đó sao!…
Thự thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết trực nhận ra, chính ông và thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường sẽ là đôi cánh cho Con rồng triều Nguyễn – Đất nước Đại Nam bay lên khỏi vực tối bi hận của giai đoạn lịch sử này, trong bối cảnh đau thương chung của các châu Á Tế Á, A Phi Li Gia, Nam Mỹ Lợi Kiên và châu Úc Đại Lợi.
Thự thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết chợt nhớ, mới đây, ông có dịp đến gặp thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường tại công đường. Hôm ấy, sau khi trao đổi với nhau một số nét chính của tình hình đang diễn biến và về chính kiến của các triều thần, của nhà vua, thượng thư Nguyễn Văn Tường nói:
- Khuynh hướng chi phối có tính chất quyết định lúc này vẫn chưa xác định rõ “hoà” hay chiến (69). Chính tôi cũng rất bị động. Đã có ý kiến nên tâu xin cất nhắc quan nguyên hiệp đốc đây lên nắm giữ Bộ Binh, và cả kiêm sung đại thần Viện Cơ mật – Thương bạc. Tôi chưa có thể mạnh dạn tâu xin để quan nguyên hiệp đốc vào Viện Cơ mật – Thương bạc, mà chỉ mong mỏi quan nguyên hiệp đốc sẽ nắm vững Bộ Binh để tăng cường phòng thủ, trong đó quan trọng nhất là việc luyện quân, tổ chức giảng dạy, học tập các kĩ thuật quân sự khác, chú trọng hải phòng Thuận An và sơn phòng Cam Lộ cũng như các cửa biển và vùng trọng yếu miền núi khác. Như quan nguyên hiệp đốc vừa nói, nếu tôi vội đề xuất việc tâu xin, sẽ khác ý quan lớn Trần Tiễn Thành và một số viên quan khác. Quan lớn Trần Tiễn Thành lại rất được nhà vua nghe theo. Nhận định đó hoàn toàn đúng. Nhưng tôi sẽ có cách ủng hộ quan nguyên hiệp đốc một cách kín đáo với tâm ý trung chính của kẻ sĩ. Tôi ủng hộ quan nguyên hiệp đốc cũng vì nghĩa lớn, vì dân nước, vì bản triều. Và chắc hẳn quan nguyên hiệp đốc cũng sẽ ủng hộ tôi với chí hướng đó.– Thượng thư Nguyễn Văn Tường từ tốn nói –. Suốt nhiều năm nay, nhất là từ những tháng cuối năm Canh thìn (1880) đến nay, tôi vẫn chủ trương liên minh với nhà Thanh Trung Hoa. Trong năm Tân tị (1881) vừa rồi, tôi đã vận động, tâu xin để có những cuộc gặp gỡ với Đường Đình Canh, một đại diện của Cục Chiêu thương. Trong những cuộc gặp ấy, tôi lấy danh nghĩa, tư cách là đại thần kiêm quản Cục Thuyền chính. Bởi lẽ, lúc này hơn lúc nào hết, bọn thực dân Pháp đang quyết tâm xâm chiếm Bắc Kì, toan tính “bảo hộ” cả Trung lẫn Bắc. Tình hình đó, theo tôi, không cứng rắn đối phó cũng không được. – Thượng thư Nguyễn Văn Tường nhìn thẳng vào quan nguyên hiệp đốc Tôn Thất Thuyết –. Tôi chỉ nhấn mạnh là lúc này, tuy vậy, ở triều thần, đường lối “hoà” hay chiến vẫn chưa được xác định rõ. Chính tôi cũng rất bị động. Nói đúng hơn, tôi vẫn chủ động trong giới hạn được nhà vua ban cho.
- Giặc Pháp thì lăm le hung tợn như thế, ta vẫn chịu khuất như thế với thực lực như thế! Biết làm thế nào…
- Tôi biết rõ quan nguyên hiệp đốc muốn dốc hết sức để tăng cường binh lực. Đó là việc cần làm, cũng là ý nguyện bức xúc của tôi và tất thảy mọi người, từ quan đến dân. Nhưng mấy năm qua, Bộ Binh vẫn trì đọng, trễ nãi, chính đức vua cũng quở trách luôn… Về khách quan, quả thực cũng có những ngáng trở, khó khăn. Ngay một việc cụ thể như thế này, tôi nói để quan nguyên hiệp đốc rõ: Hồi tháng ba năm nay, viên suất đội Tuyển phong Trần Hữu Viết cùng hai mươi người lính vào Gia Định học kĩ thuật súng Tây dương theo “hoà” ước, cũng đã bị trả về, nên cách đây mấy tháng đã phải sang Trung Hoa học tập kĩ thuật quân sự hiện đại đấy (70).
- Việc đó tôi có biết. Nhưng tình hình trong triều thần, riêng quan lớn Trần Tiễn Thành…
- Tôi vẫn nhớ tổng đốc Vũ Trọng Bình thường đọc câu tục ngữ, “ở lâu mới biết lòng người…”. Tôi không dám nói gì hết. Khi bước vào hàng ngũ chính khanh, quan nguyên hiệp đốc sẽ khắc nhận ra tình hình chung và nội bộ bản triều một cách sâu sắc hơn, trực tiếp hơn…
Thự thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết đã cuối tuổi bốn hai, sắp bước vào tuổi bốn mươi ba, kể cả một tuổi trong lòng mẹ. Ông biết mình đã đứng tuổi và bản lĩnh đã dạn dày trong chiến trận. Ông ngẫm lại, thấy thượng thư Nguyễn Văn Tường thật đúng như mọi người nói, là hết sức điềm đạm và cẩn trọng.
Bấy giờ, cả hai đại thần, Nguyễn Văn Tường lẫn Tôn Thất Thuyết, không ai hay biết tên khâm sứ Pháp Rheinart đã biết rõ thái độ chính trị của thượng thư Nguyễn Văn Tường: đã trở nên quyết liệt nhưng vẫn trong vẻ mềm dẻo, nhất là từ khi trực tiếp có những cuộc tiếp xúc với Đường Đình Canh. De Champeaux quyết “đập tan tành” thượng thư Nguyễn Văn Tường, bởi nguyên nhân tổng quát là cả quá trình luôn luôn không chịu khuất nhượng người Pháp, và bởi nguyên nhân cụ thể, trực tiếp là vì lẽ đó. Rheinart lại càng rõ hơn cả De Champeaux (71). Ngày 30.11.1881 (09.10 Tân tị, năm Tự Đức thứ ba mươi bốn), y đã viết văn thư phúc trình vào Suý phủ Pháp tại Gia Định: “Khi trở thành đứng đầu phe cứng rắn, chính [Nguyễn Văn] Tường đã xúi Tự Đức coi thường hiệp ước năm 1874, do đó làm cho mối quan hệ Việt – Pháp suy thoái dần” (71) . Đó là sự thật về thái độ và chủ trương chính trị cứng rắn của thượng thư Nguyễn Văn Tường, và “hoà” ước 1874 theo cách hiểu đầy áp đặt của tên thực dân hạng nặng là Rheinart.
“Lúc bấy giờ, sứ nước Pháp là Lê Na [Rheinart] đã sang thay, nói với quan Thương bạc [lúc này là Nguyễn Trọng Hợp]: “Trong hoà ước có nói, nước ta có việc, nước ấy phải giúp, tuy không nói rõ là “bảo hộ”, nhưng ý nghĩa đã bao hàm ở trong. Nay khoản ấy triều đình nước ấy đã định làm, mà làm như thế, nước ấy [nước Pháp] không lấn quyền nước ta, chỉ bắt ta không được giao thiệp với nước khác thôi. Ta nếu không nghe, nước ấy cũng bắt làm cho được” (72) .
“Xúi Tự Đức coi thường hiệp ước năm 1874” có nghĩa là không chấp nhận hai chữ “bảo hộ” theo sự áp đặt của thực dân Pháp. Và “làm cho mối quan hệ Việt – Pháp suy thoái dần” , theo ý Rheinart, là những yêu sách, những hành vi ngang ngược ngày càng tăng của Pháp đều không được thượng thư Nguyễn Văn Tường nhân nhượng, nhất là khi đã đặt được quan hệ liên minh với nhà Thanh.
Quả thật, hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết không ngờ các tên khâm sứ, trong chừng mức nào đó, đều rất nhạy bén đánh hơi được những diễn biến trong triều đình.
Thự thượng thư Tôn Thất Thuyết nhìn lên thanh gươm của ông tổ trực hệ Tôn Thất Hiệp, một danh tướng lừng lẫy với chiến công vang dội một thời, được treo trên vách của gian đặt bàn thờ tổ tiên. Thân phụ ông, cụ nguyên đề đốc Tôn Thất Đính, cũng đã là một vị tướng từng tham dự những trận đánh Pháp khi chúng bắt đầu xâm lược Nam Kì, trước khi “hoà” ước Nhâm tuất (1862) bị kí kết. Thân sinh ông hai mươi năm nay lâm bệnh, tuy chưa đỡ hẳn, lại già đi theo tuổi tác, vẫn không hề nguôi nỗi hận bọn Pháp hung tàn. Ông lại nhìn qua khẩu súng và thanh gươm của mình, cũng treo bên dưới thanh gươm hiển hách ấy.
Ông đọc lại sắc dụ bổ nhiệm của vua Tự Đức với tất cả quyết tâm chiến đấu sục sôi trong tim.
Ngoài thượng thư Nguyễn Văn Tường, thự thượng thư Tôn Thất Thuyết còn có một người đồng chí khác, ấy là thượng thư Bộ Hình, sung đại thần Viện – Bạc Phạm Thận Duật. Ông tiếc rằng, dạo này Phạm Thận Duật đang mắc bệnh tiểu đường (73), tuy ở mức độ còn nhẹ, nhưng sức khoẻ không còn được như trước, lại đang được nhà vua giao cho công việc biên tập lại bản thảo “Việt sử cương mục” đã được Quốc sử quán biên soạn (74). Vũ Nhự, một quan viên sung Nội các, người Hà Nội, đang cùng với thượng thư Phạm Thận Duật miệt mài với bộ sử đồ sộ ấy (74).
Thự thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết nghĩ đến Trương Văn Đễ, Trần Xuân Soạn, Tạ Hiện…

Hết tệp 2 truyện kí 9

Viết đến dòng chữ này vào lúc 16 giờ 26 phút,
ngày 29.12.2002 (26.11 Nh. ngọ, HB.2),
tại thành phố Hồ Chí Minh
.

TRẦN XUÂN AN


(44) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 48.

(45) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 50 – 52.

(46) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 59.

(47) Một dạng khúc xạ tư tưởng Lão Tử trong Đạo Đức Kinh. Xem: Lão Tử, Đạo đức kinh, Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú, Nxb. Văn Học, 1991; Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Lão Tử tinh hoa, Nxb. Tp. HCM., 1992.

(48) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 48.

(49) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 59 – 62.

(50) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 62 – 63.

(51) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 74, 75.

(52) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 75.

(53) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 66.

(54) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 69.

(55) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 73.

(56) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 75.

(57) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 27.

(58) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 153.

(59) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 83.

(60) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 95.

(61) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 84.

(62) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 85 – 86.

(63) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 60.

(64) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 86 – 87.

(65) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 13.

(66) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 88.

(67) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 89 – 91.

(68) Tự Đức, Tự Đức thánh chế văn tam tập, tái bản với tên sách: Thơ văn Tự Đức (TVTĐ.), tập 2, Nxb. Thuận Hoá, 1996, tr. 211 – 213.

(69) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 33.

(70) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 23, 160.

(71) NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 269 – 270: Lưu trữ AOM. Aix, Amiraux 12923, De Champeaux gửi thống đốc Nam Kì, Huế ngày 06.02.1881 (mùng tám Tết Tân tị); và AOM. Aix, Amiraux 12940, Rheinart gửi thống đốc Nam Kì, Huế ngày 30.11.1881 (09.10 Tân tị, Tự Đức 34), xem thêm G. Taboulet…

(72) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 59.

(73) Theo một số tư liệu trong “Phạm Thận Duật, sự nghiệp văn hóa, sứ mệnh cần vương”, Hội KHLS. VN. xb., 1997. Đây là một cuốn sách có nhiều chi tiết xuyên tạc, bịa đặt đầy ác ý (trong bài của PGS. Chương Thâu) với những cái gọi là tư liệu, không ghi xuất xứ, không được công chứng, nhất là khảo chứng, lại chưa hề giám định, do đó, không thể có giá trị sử học. Nhân đây, cũng xin nói thêm. Khi đọc bài “Khảo sát thêm về Quan Thành văn tập” của ông Nguyễn Văn Huyền, tr. 197 – 208, tôi thấy có hai bài thơ của Nguyễn Văn Tường viết tặng Phạm Thận Duật, chép lại trong văn tập ấy. Hai bài ấy được ông Nguyễn Văn Huyền liệt kê ở tr. 202 và 204. Đó là bài “Tán lí quân vụ Nguyễn Văn Tường tiễn Phạm Thận Duật” “Tặng bố chính Bắc Ninh được về quê thăm nuôi” . Đúng ra, hai bài thơ này Nguyễn Văn Tường vốn đặt nhan đề chữ Hán là: “Tặng Bắc phiên Phạm giá hồi bệnh” “Tặng Bắc phiên Phạm Quan Thành quy tỉnh thân bệnh” . Xin xem: Kì Vĩ quận công thi tập, tư liệu Hội nghị Khoa học lịch sử với đề tài “Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường", ĐHSP. TP. HCM., 20.6.1996; Trần Xuân An (biên soạn), Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, thơ, vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (KVPCĐT. NVT. T. VNVCN. TH. & TT.), bản in vi tính, 2000 (chưa có điều kiện xuất bản).

(74) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 83 – 84.

Chú thích xong lúc 08 giờ ngày 14.02.2002
(13.01 Quý mùi, năm thứ hai công nguyên Hòa Bình [:HB.2])
.

TRẦN XUÂN AN


Hết tệp 2
(phân đoạn 2, truyện kí 9)

Xin xem tiếp tệp 3
(phân đoạn 3, truyện kí 9)
thuộc TẬP III bộ sách “PCĐT. NVT.”

0 Comments:

Post a Comment

<< Home