TRAN XUAN AN - PCDT NGUYEN VAN TUONG (tap III A)

Sunday, December 18, 2005

PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (tập III A 4)

Tệp 4 – Tập III Blog A
(PHÂN ĐOẠN 4 TRUYỆN KÍ THỨ 9)

TRẦN XUÂN AN

BẮC KÌ, TƯỞNG CHỪNG LẶP LẠI


Truyện kí thứ chín
(phân đoạn 4)

12

Với sự hỗ trợ của đại thần Viện – Bạc Nguyễn Văn Tường, việc tăng cường phòng thủ vẫn được đẩy mạnh. Thượng thư Tôn Thất Thuyết tâu xin đưa hai mươi (20) cỗ súng về đồn Trấn Hải ở cửa biển Thuận An (Thừa Thiên) (133), đặt sáu cỗ súng ở Tư Hiền (cũng thuộc tỉnh Thừa Thiên) và luyện binh ở vụng biển ấy (133), đồng thời tăng cường các võ quan như Nguyễn Hanh, Lê Viết Diễn, Nguyễn Văn Thi, Ngô Đạt và cả cử nhân văn làm tham biện là Cao Hữu Sung (133). Ngoài ra, khởi công xây dựng Sơn phòng Hà Tĩnh (134). Vua Tự Đức đồng ý.
Tháng bảy Nam lịch, năm Tự Đức thứ ba mươi lăm, Nhâm ngọ (1882) ấy, trong những ngày đầu tháng, Quảng Trị quê nhà của thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường lại bị thiên tai bão tố (135). Tất nhiên, không hề thiên vị, ông chiểu theo định lệ chẩn cấp để bảo các quan thuộc viên đốc thúc quan tỉnh lập danh sách. Thúc giục đến hai, ba lần mới làm xong danh sách! Các quan tỉnh phải bị cách chức nhưng cho lưu dụng (135)!
Bấy giờ, có những sự lạ! Triều đình phát hiện và trợ cấp cho thần đồng tám tuổi Nguyễn Văn Kỳ ở tỉnh Hưng Yên (về sau Pháp bắt về nước của chúng!) (136). Cùng với sự lạ ấy, biển Bình Thuận bỗng vang lên dưới lòng biển tiếng vang như súng rền, suốt cả ngày đêm, vang đến tận Bắc Kì (137)! Sau đó khoảng một tháng, sao trên trời sa xuống, tiếng thiên thạch va chạm mặt đất vang như sấm động (138), rồi lại xuất hiện sao phướn, một dải sao dài như tấm lụa, phía dưới màu đỏ, phía trên sắc trắng, kéo dài đến bốn tháng trên nền trời đêm (139). Nhân gian bấy giờ vẫn giải thích các hiện tượng tự nhiên theo cách nghĩ thần bí của mình, cố tưởng tượng ra mối liên quan giữa “trời – đất – người” .
Quân Thanh ở Lưỡng Quảng và Vân Nam đã hành quân ra áp sát biên giới, trải dài trên nhiều vùng đất Trung Hoa kề cận nhiều tỉnh nước ta, ngay từ khi nghe tin Hà Nội thất thủ vào đầu tháng ba (140). Đến nay, đúng như ước định của thượng thư Nguyễn Văn Tường và triều đình, tháng bảy, trước khi sao phướn trắng đỏ xuất hiện, tướng nhà Thanh tại Vân Nam, là Tạ Kính Bưu, lại đem trước ba (03) doanh quân sang Quán Ty ở tỉnh Hưng Hoá (140). Dân gian Bắc Kì lan truyền tin đồn: “Người nước Thanh đến tranh lấy Bắc Kì làm kế tự giữ” (140) .
Vua Tự Đức ra dụ: “Lấy lòng tiểu nhân để đo bụng người quân tử! Người nước Thanh đâu có làm việc bất nghĩa như thế” (140) . Thư của tổng đốc Quảng Đông liền được đưa đến cho các quan tỉnh xem để họ trấn an, khuyên bảo nhân dân, “chớ đem lời đồn phi lí mà làm mê hoặc nhau” (140) . Thư ấy được viết:
“Việc quân Pháp xâm chiếm Hà Nội, đã do quan tổng lí các quốc sự vụ là Vương đại thần tâu lên [vua Thanh]. Đại hoàng đế [nhà Thanh] xuống chiếu cho các đốc phủ Vân Nam, Lưỡng Quảng, gia tâm phòng giữ, và cho Vương đại thần đến tận nơi hỏi sứ thần Pháp đóng ở Trung Hoa, bảo: Về nước Việt Nam, trước [là phiên] thuộc Trung Hoa, nay nghe quân Pháp đánh giữ thành [trì] nước Việt; [như vậy là] có hại đến nghĩa giao hiếu của hai nước. Nếu do sứ thần nước Pháp đem nghĩa ấy chuyển [gửi, để] bảo cho Bộ Ngoại giao Pháp, [thì cũng] cốt cho trọn nghĩa bang giao ấy. [Vua Thanh] lại cho Tăng đại thần [Tăng Kỷ Trạch] sang sứ [:đi sứ sang] nước Pháp, giục Bộ Ngoại giao nước Pháp ra lệnh cho quân Pháp ở Việt nam rút ra khỏi thành trì Hà Nội, để giữ vững tình hữu nghị. [Hai việc] đó đều là [bởi] thiên triều [Trung Hoa] yêu mến thuộc quốc [Đại Nam] không lúc nào ngơi. Trừ ra [việc phải] tuỳ thời [mà] đến nước Pháp bàn bạc và đợi nước Pháp trả lời, chước lượng làm việc, [thì] không kể, [nhưng] cũng [thông] tư cho [Đại Nam] biết để tra xét” (140) .
Thượng thư Nguyễn Văn Tường đọc bản thư ấy cùng những lời châu phê của vua Tự Đức: “Quân nước Thanh nếu sang, [họ là khách], ta là chủ, nên tuỳ nghi khoản tiếp, dò xét, cốt cho đắc thể, chớ để mất lòng” (140) .
Tuy nhiên, ông và cả triều thần cũng như vua Tự Đức chưa thể biết được mưu đồ không trong sáng của nhà Thanh!
Tập tâu của tổng đốc Trực Lệ kiêm biện thông thương sự vụ đại thần là Trương Thụ Thanh (trước đây làm tổng đốc Lưỡng Quảng) đã thể hiện mưu đồ đục nước béo cò ấy:
“Theo độc ác ngầm của người Pháp, Nam Kì của Việt Nam đã bị bỏ mất. [Nay] Bắc Kì đâu dễ giữ được, mà nước Pháp còn lần chần nghĩ kĩ, chưa dám thôn tính ngay. Cố nhiên là bởi Bắc Kì hiểm trở, sức [Pháp] hoặc không thể lấy ngay được. [Pháp] cũng ngại vô cớ nổi lên chiến tranh, sợ Trung Quốc hỏi đến, cho nên buộc nước Việt Nam ngay vào trong điều ước thông thương, [rồi] nhân lúc sơ hở, [Pháp] làm ra trái ước, [chúng] bắt làm [điều] ước lại, tức [là], bề trong thu được lợi đất đai mà bề ngoài chối cãi tiếng cướp nước. [Nước Pháp tiến hành theo cách đó là vì] nước [Pháp] ấy không có thế phạm đến Trung Quốc, [mà] ta [:Trung Quốc] cũng không có [lí] lẽ sinh sự với nước ấy. Đây là mưu xảo trá của nước Pháp, mà Trung Quốc mưu tính nước Việt càng không thể hoãn được.
Tổng lí nha môn Vương đại thần nghĩ nước Việt Nam bị nạn nước Pháp ngày càng lấn dần, mà [chúng] tính đến thêm quân cứu viện, [nên đại thần ấy] lo mất hết rào giậu. Tôi nghĩ các tỉnh ở Bắc Kì [quả] thực nước [Pháp] ấy vẫn dòm ngó, [vốn] thực là phên che của tỉnh Vân Nam và Lưỡng Quảng. Trong ba tháng [năm Nhâm ngọ 1882] quân Pháp đánh phá Bắc Kì, sự cơ ngày càng gấp. Sau người Pháp lại đem thành trì giao trả cho quan Nam! Quỷ quyệt biến đổi luôn, ý không thể lường biết được. [Quả thực,] sợ [chúng] lại dùng mưu cũ chiếm giữ sáu tỉnh Nam Kì, làm hoà ước mới, thu Bắc Kì trong tay, bắt nước Việt Nam phải theo. Việc quả đến thế, [thì] nhân đấy đối phó càng khó.
Cách phòng giữ biên giới của Trung Quốc ngày nay, chỉ có sai quân đóng giữ của tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, giữ ngoài biên giới, vẫn lấy tiếng là đánh thổ phỉ nước Việt Nam, để mưu tiến lên, tức [là] làm chỗ cho quân ta [:Trung Quốc] đóng giữ, hoặc [:có thể] khỏi sự lo người Pháp lấn dần.
Tóm lại, Hồng Hà [thì] là Pháp vẫn chú ý, Bắc Kì [thì] là ta [:Trung Quốc] tất phải tránh [tranh?], giữ ở bốn bên [Bắc Kì], phòng bị trước lúc có việc.
Nước Việt Nam khó mong tự tính được, nước Trung Quốc tất không nên tự để lỡ việc” (140)
.
Vua Tự Đức, triều thần và thượng thư Nguyễn Văn Tường chỉ biết vua nước Thanh Trung Hoa vừa “mới giáng dụ: “Cho bọn quyền tổng đốc Quảng Đông là Du Khoan, tuần phủ Quảng Tây là Nghê Văn Uốt, tổng đốc Vân Quý là Lưu Trường Hiệu, đều sửa tuyển quân thuỷ, quân bộ, chia đóng chỗ yếu hại, để làm thanh thế cứu viện từ xa cho Bảo Thắng [địa phận cư ngụ của Lưu Vĩnh Phúc ở tỉnh Hưng Hoá nước Đại Nam], chớ chỉ làm kế đóng cửa tự giữ”” (140) .
Thế là đã quá rõ, Trung Quốc đã có kế hoạch xâm chiếm Bắc Kì với danh nghĩa bảo vệ chính Trung Quốc! Và nhà Thanh lại tranh thủ Lưu Vĩnh Phúc, trợ giúp trực tiếp cho họ Lưu!
Pháp biết tình hình quân Thanh và kế hoạch cầu viện nhà Thanh của nước Đại Nam ta như vậy, nên chúng cũng đem thêm tàu binh đến Bắc Kì, neo đóng ở Sơn Tây, Hưng Hoá, Bạch Hạc, mỗi nơi hai chiếc (140).
Thống đốc Hoàng Tá Viêm giục quân Lưu Vĩnh Phúc về Thục Luyện, còn các toán quân huấn luyện đến Hưng Hoá, Thái Nguyên, nay đều được triệu về đóng ở chỗ gần tỉnh Sơn Tây (140).
Thống đốc họ Hoàng cùng hai tĩnh biên phó sứ Trương Quang Đản, Nguyễn Hữu Độ và các quân thứ Sơn, Hưng, Tuyên, Bắc, Thái, Lạng, được lệnh dụ “hễ có quân Thanh đến đóng gần, đều phải cấm trấp thuộc hạ yên lặng để đợi lệnh, không được hành động bậy, xem hai bên [Trung – Pháp] làm việc, cử động thế nào, tâu lên ngay” (140) .
Trần Đình Túc cũng được lệnh thôi hàm khâm sai đại thần vì Hà Nội xem như đã được trao trả, vì trong thực tế Trần Đình Túc cũng không thể thương thuyết được gì (141), một khi Hà Nội và Bắc Kì, mới đầu tưởng chừng lặp lại sự thể năm Quý Dậu (1873). Nhưng đó chỉ “xem như” và “tưởng chừng”, mặc dù ai cũng biết rằng không phải như vậy!
Tháng chín Nhâm ngọ (1882), tổng đốc [Nam] Định – [Hưng] Yên Vũ Trọng Bình và các quan tỉnh Nam Định như Đồng Sĩ Vịnh, Hồ Bá Ôn, Lê Văn Điếm chiêu mộ quân người Thanh, nhưng rất đáng tiếc là cấp lương quá lệ định, nên bị trách phạt (142)!
Quan tướng nhà Thanh Hoàng Quế Lan lại được tăng cường quân từ Trung Hoa sang, quân số lên đến mười hai doanh (143). Số quân Thanh ấy đóng trên bốn tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Thái Nguyên (tả lộ, tả ngạn sông Hồng). Triệu Ốc, cũng tướng nhà Thanh, thống lãnh năm doanh, đóng ở Tuyên Quang và cả ở Thái Nguyên (hữu lộ, hữu ngạn sông Hồng). Quân Thanh đã tăng cường thêm vào khoảng trung tuần tháng chín ấy (143).
Như mọi lúc tình thế trở nên căng thẳng, gay go, những cuộc nội loạn thường ít nhiều nổi lên, lần này, lại xuất hiện sự nổi loạn ở phủ Ứng Hoà thuộc tỉnh Hà Nội. Cầm đầu cuộc nổi loạn ấy là Tư So và Lý Hoà (144). Hai kẻ nổi loạn này dẫn quân xông vào đốt phá dinh phủ, cướp ấn phủ và thả tù phạm để thêm quân. Quá bất ngờ và phòng xét sơ hở, tri phủ Đinh Gia Lễ và suất đội Trần Đình Tân lại “không chịu đem quân chống đánh” (144) , phải bị giáng lưu. Nguyễn Chính, Bùi Ân Niên đem quân nã bắt (144).
Tại Viện Cơ mật – Thương bạc, khoảng cuối thượng tuần tháng chín nguyệt lịch, trước tình hình đã ở vào thế cưỡi hổ, lại càng phải tuyệt đối bí mật, nên Viện – Bạc đã di chuyển, hoán đổi đến phòng Thượng bảo Nội Các (bên chái phía trái Tả vu Điện Cần chánh) và bàn định làm thêm nhà vuông phía sau chỗ ấy, làm nơi kín đáo cho tứ trụ đại thần bàn luận việc cơ mật và trực đêm (145).
Có một điều khiến thượng thư Bộ Hộ, đại thần Cơ mật viện Nguyễn Văn Tường không thể không lặng người đi trong nỗi buồn. Đó là nỗi buồn từ “hoà” ước Nhâm tuất 1862. Thoáng lặng người với nỗi buồn ấy ập đến, vào một ngày tháng mười Nam lịch, Nhâm ngọ (1882), khi ông đọc đến bản tâu của tuần phủ [Bình] Thuận – Khánh [Hoà] Trần Lưu Huệ, điển nông phó sứ Nguyễn Thông và những dòng châu phê của vua Tự Đức trên phiến tâu ông lược ghi hôm trước. Nhà vua chuẩn y việc sai phái hai viên quan ấy “hội đồng với phái viên nước Pháp, khám xét địa giới phận nam ở Bình Thuận và Biên Hoà. (Núi Thần Quy trở vào nam thuộc tỉnh Biên Hoà [thuộc Pháp], trở ra bắc thuộc tỉnh Bình Thuận [thuộc Đại Nam])” (146) . Không phải lấy sông làm ranh giới, mà ấy núi làm mốc chia cắt! Nếu nói bằng ẩn dụ, phải chăng đó cũng là vết thương chia cắt Đất nước, đang sưng tấy lên, nhức nhối hơn cả sông Gianh thuở trước? Dẫu sao, vết thương sông Gianh, đau xé suốt hai trăm năm Trịnh – Nguyễn phân tranh, cũng đều là Đại Việt! Một Đại Việt, tuy vậy, nhưng là một Đại Việt trở thành Đàng Trong, Đàng Ngoài, một Đại Việt nội chiến, núi xương sông máu, và tất nhiên có hận thù, để rồi sau triều Tây Sơn ngắn ngủi, bên thắng trấn áp bên bại (bại vong trước Quang Trung và bị trị bởi triều Nguyễn, kể từ Gia Long). Vết thương núi Thần Quy, khác hẳn. Tuy một bên thuộc Pháp, một bên vẫn là triều Nguyễn còn độc lập, tự chủ, nhưng nhân dân Nam Kì vẫn hướng về triều Nguyễn, vẫn chống Pháp. Không, so với vết thương núi Thần Quy, vết thương sông Gianh đau đớn, nhức nhối hơn nhiều. Có điều, vết thương sông Gianh đã có phần nguôi ngoai, để sông Gianh mãi mãi vẫn lại là dòng sông tự nhiên mênh mang, trong mát… Thượng thư Nguyễn Văn Tường bỗng chìm vào một thoáng ngậm ngùi liên tưởng.
Tại sao đến lúc này Pháp lại đòi xác định lại ranh giới, yêu sách khám xét phần đất phía bên ta? Ông biết, chúng đã biết ta tăng cường phòng thủ vùng địa đầu nơi ấy! Thoáng lặng người với nỗi buồn chợt tắt, để dấy lên trong lòng ông niềm căm hận…

13

Hồng lô tự khanh, biện lí Bộ Hộ Ông Ích Khiêm (147) nói với thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường, sau khi ông đặt chén trà nóng trên tay xuống chiếc dĩa trong vuông khay:
- Tôi thấy tôi có năng lực về quân sự hơn là về quốc kế dân sinh…
Thượng thư Nguyễn Văn Tường mỉm cười:
- Sao quan biện lí lại khiêm tốn thế! Quan biện lí đã từng là một thần đồng văn triết sử, cũng đã từng là một danh tướng trong việc cầm quân đánh giặc, tiễu phỉ, thì trong lúc này, tạm thời làm việc ở Bộ Hộ, cũng phải là danh tướng về quốc kế dân sinh chứ!
Danh tướng họ Ông thở dài. Gương mặt ông hơi buồn. Ngẫm nghĩ một lúc, ông lại nói:
- Làm việc Bộ Hộ, thật ra cũng có nhiều cái hay. Trước khi bước hẳn sang nghiệp tướng cầm quân, tôi cũng đã có một số năm làm tri huyện, cũng lo ruộng đất, thuế khoá, sổ đinh, quân nhu và đủ thứ việc của một quan đầu huyện. Nhưng từ khi cầm quân, là một tán lí, một tham tán với hàm tham tri Bộ Binh, tôi trót quen vẫy vùng, với luật lệ chiến trường “tướng nhất hô quân bá ứng” (tướng một người khởi xướng, quân trăm đội đều hưởng ứng), “quân lệnh như sơn” (lệnh quân đội nặng và cao như núi) . Thế mà bây giờ hai bản tấu trình của tôi đều bị vua bác, thật quá chán! – Quan biện lí Ông Ích Khiêm cười lớn –. Vậy mới biết, làm tướng cầm quân tuy khổ cực, lắm khi bị trúng thương và không lúc nào không gần kề cái chết, nhưng lại có oai phong nghiêng trời lệch đất. Không có gì hạnh phúc hơn là những ngày tháng oanh liệt đó…
- Việc Bộ Binh, hiện do quan thượng thư Tôn Thất Thuyết và quan đại thần Trần Tiễn Thành nắm giữ, cố vấn… – Thượng thư Nguyễn Văn Tường bỏ lửng câu nói –. Việc nhà vua không đồng thuận theo kiến nghị của quan biện lí là bởi ta đang tranh thủ người Thanh, để đối trọng với bọn Pháp và các nước Tây dương khác!
- Khi nhà vua chuẩn cho người “thuộc khách là Lương Văn Phong mua đóng tàu thuỷ nhỏ đi đường sông, chở than đến Đà Nẵng, Ông Ích Khiêm [tôi] rất lo về tạ sự [: lo chúng mượn việc này để làm việc khác], xin cấm bãi. [Nhưng] vua không nghe” (148) ! Đó là hồi tháng chín năm Nhâm ngọ (1882) này, mới cách đây một tháng. Mới đây, tháng mười này, bản sớ của tôi dâng kế về quốc phú binh cường, “vua cho là phải” , có điều nhà vua còn phê rằng, “nhưng vì việc phòng giữ biên giới chưa thư [thả], không thi hành được” (147) !
- Sự thật là tình hình rất gay go, Hà Nội vừa thất thủ chưa lâu, bọn Pháp nói trả thành nhưng chỉ là kế hoãn binh của chúng. Vì thế, phỉ được vỗ yên ở biên giới bắc, hiện nay có chỗ đã lại sinh sự, cướp bóc, còn có khả năng ngóc đầu dậy, và các tỉnh khác ở trung châu Bắc Kì đang tăng cường phòng thủ, chờ quân Thanh sang nước ta làm đối trọng với Pháp, để bọn Pháp tự dẹp bớt cuồng vọng tham lam… Tình hình như thế, kế sách quốc phú binh cường của quan biện lí tuy rất hay, nhưng không hợp thời điểm. Thật ra không có gì cần thiết hơn như quan biện lí đề xướng: khai mỏ, có đại thần chuyên trách; mở cục đúc tiền; đặt trường diễn võ, chọn quân khoẻ mạnh để dạy tập. Nếu trước đây vài ba năm, hẳn được thực thi ngay. Thôi, hãy đợi tình hình sáng sủa, thư thả hơn, còn thật sự như quan biện lí họ Ông thấy đó, rất khẩn cấp, căng thẳng.
Biện lí Bộ Hộ Ông Ích Khiêm gật gù. Không phải ông không biết thời điểm này là lúc phải cầm súng, vung gươm, đánh bật bọn Pháp ra khỏi Bắc Kì, để quân Thanh rút về nước, ít ra cũng như thời đoạn vài năm trước đây… Ông thấy thật bực bội cho ông, một danh tướng đã từng trực tiếp chiến đấu cả một trăm mấy chục trận, lúc này, lại làm công việc trái với năng lực quân sự của mình.
Ngẫm nghĩ một lúc, ông cáo từ quan thượng thư Nguyễn Văn Tường, người đã một thời là tán lí, tán tương quân thứ chiến đấu cạnh ông trong nhiều trận.
Nhờ sự tâu xin cuả thượng thư Nguyễn Văn Tường, không lâu sau, Ông Ích Khiêm được như ý nguyện, có chỉ dụ làm tham biện Hải phòng sứ kinh kì (149), cùng Lê Sỹ, Lâm Hoành, Nguyễn Hanh và nhiều viên tướng tá khác lo việc phòng thủ cửa Thuận An và tuyến đồn luỹ dọc sông Hương.

14

Thực dân Pháp vẫn cố sức nắm rõ quan hệ Việt – Hoa. Tên khâm sứ Rheinart viết phúc trình vào Nam Kì ngày 02.08.1882 (19.06 Nhâm ngọ):
“Sau cuộc chiến ở Hà Nội, nước Nam đã đi sát Trung Hoa hơn để được cứu viện và nếu cảm thấy bị ta đe doạ thì họ sẵn sàng hi sinh nền tự trị của họ, sẵn sàng thay đổi những quyền lợi của nước tôn chủ, trước đây chỉ có tính chất danh dự trở thành quyền lợi đích thực của sự thống thuộc, vì họ muốn là, thà chịu làm ngoại thuộc Trung Hoa còn hơn là phải chịu ép dưới ảnh hưởng và hành động quá lớn của ta. Trung Hoa trước đây không để ý gì tới các vấn đề đối ngoại ấy, nay đã bắt đầu thay đổi chính sách” (150) .
Thật ra, ngay từ cuối năm Canh thìn (1880, bước sang đầu 1881), thượng thư Nguyễn Văn Tường đã lập Cục Thuyền chính với ý định ngoại giao về chính trị trong quan hệ vận tải đường biển. Từ tháng ba nguyệt lịch Tân tị (1881), Đường Đình Canh đã tới Huế để có cuộc tiếp xúc sơ bộ. Sau cuộc tiếp xúc Nguyễn Văn Tường – Đường Đình Canh ấy, Tôn Thất Thuyết mới về kinh, nhưng chưa nhận chức vụ gì, chỉ ở nhà chữa bệnh. Từ cuối năm ngoái dương lịch, ngày 30.11.1881 (09.10 Tân tị), tên khâm sứ Rheinart hẳn đã thăm dò để biết Viện – Bạc đã hạ quyết tâm mở rộng ngoại giao, phá vỡ tình trạng bị Pháp cô lập, và hướng mở là về phía Trung Hoa. Bấy giờ y đã biết thái độ chính trị của Nguyễn Văn Tường đã trở nên quyết liệt và ông thực sự là người mà Rheinart gọi là “đứng đầu phe cứng rắn” trong triều đình.
“Nay có Cục Chiêu thương chở hàng thuê, do quan ở Cục ấy giới thiệu, tưởng cũng là một cơ hội. Gần đây tiếp được tin báo Đường Đình Canh tháng này [tháng chín, năm Tân tị (1881)] cũng đến, xin do BỌN TÔI thương thuyết, nhờ viên ấy ngỏ ý với Lý Hồng Chương, nhờ mật dò ý [của] sứ các nước Anh, Mỹ, Phổ [:Đức], để nắm được cốt yếu, thông thuyết giúp cho” (49) .
Sau đó, ngày 27 tháng mười một Tân tị (16.01.1882), Tôn Thất Thuyết mới bắt đầu được dụ bổ nhiệm thự thượng thư Bộ Binh.
Tháng chạp Tân tị (đầu năm 1882), thượng thư sung Viện – Bạc đại thần Nguyễn Văn Tường đã tiếp xúc trực tiếp với Đường Đình Canh, một đại diện của Chiêu thương cục:
“Vua cho là quan nước Thanh vào yết kiến, sợ sinh ngờ; bèn cho Nguyễn Văn Tường bàn kín với Đường Đình Canh.
[Đường] Đình Canh nói: “Tháng mười năm nay, khâm sai nước Thanh đóng ở nước Anh là Tăng Kỷ Trạch báo tin rằng: “Nghị viện nước Pháp bàn kín, Bắc Kì nước ta đất cát màu mỡ, núi sông lại có mỏ vàng, bạc, đồng, sắt, than đá, xét ra tình thể, chỉ giở bàn tay là xong. Lãnh sự nước Pháp là Thoát Lãng lại đã xin đem một, hai nghìn [1.000 – 2.000] quân đánh lấy Bắc Kì. Nghị viện nước Pháp đã chuẩn y. Chẳng bao lâu tất đem quân nước ấy cùng các đạo quân ở Tây Cống [:Sài Gòn] khẩn cấp cùng phát đi. Còn [Pháp] nói là đuổi Lưu Vĩnh Phúc, chỉ là nói thác ra mà thôi. Vua nước Thanh giao cho các nha môn quân cơ bàn cho thỏa đáng, cho nên tổng đốc tỉnh ấy phái đạo viên ấy báo tin cho nước ta, phải mưu tính ngay để mong giữ được”.
Vua cho là thư của tổng đốc ấy đã hồn nhiên, ta cũng không nên lộ; sai Văn Tường mật dặn [Đường] Đình Canh ba việc:
+++ Nước ta triều cống nước Thanh, các nước đều biết. Nước Thanh đặt Tổng lí nha môn, công luận ở đấy. Nếu họ sinh lòng trái lời ước thì nước Thanh nhận làm thuộc quốc của nước Thanh, [để] cùng với các nước tranh luận, thì họ cũng không dám trái công luận để làm theo ý riêng. Nhưng cho nước ta đặt quan đón đón chờ [:quan tiếp tân, quan ngoại giao] ở kinh đô nước Thanh, nếu có việc gì, được tố cáo ở Tổng lí nha môn.
+++ Ở Quảng Đông, hiện nghe lãnh sự các nước phần nhiều đóng ở đấy. [Triều đình Đại Nam] muốn nhờ quan tổng đốc Quảng Đông tâu xin [vua Thanh] cho nước ta đặt một lãnh sự ở đấy để tiện đi lại buôn bán, thông báo tin tức, nhân cùng giao du với các nước để thông hiểu tình ý.
+++ Nước ta muốn phái người đi khắp các nước như các nước Anh, Nga, Phổ, Pháp, Mỹ, Áo, Nhật Bản, xem xét và học, [nhưng] chưa được thuận tiện. Nước Thanh có tàu thường đi lại các nước ấy, [ta] muốn nhờ đáp đi, [hẳn] không trở ngại.
Đến khi [Đường] Đình Canh về, vua sai viết thư trả lời tổng đốc Quảng Đông. Đại khái nói: “Đầu mối việc ấy đã hiểu qua cả. Nay nên làm thế nào mà có thể được tiện, [thì] đã như đạo viên họ Đường trình bày ở trước mặt tất cả”.
Và [ngoài ra, nhà vua còn bảo] gửi thư cho thự lí thông thương khâm sai đại thần nước Thanh là Lý Hồng Chương.
Lại đều đem đồ vật gửi tặng: tặng Trương Thụ Thanh, Lý Hồng Chương mỗi người một đôi ngà voi hạng nhất, một cái sừng tê hạng nhất. Sau, tổng đốc họ Trương [Trương Thụ Thanh] đem đồ vật ấy trả lại, nói rằng, nhận sợ nước Pháp ngờ, có việc khó giảng thuyết; tổng đốc họ Lý [Lý Hồng Chương] cũng lấy thơ và tờ khải đưa cho, để tỏ tình cùng khuyên về ý đều phải tự cường” (151)
.
Quả là tên khâm sứ Rheinart đã phúc trình vào cho thống đốc Nam Kì khá chính xác! Và hẳn là tên lãnh sự Pháp tại Trung Hoa cũng đã báo cáo về Pháp vào ngày 24.11.1882 (14.10 Nhâm ngọ):
“Theo yêu cầu của Nam triều gởi đến triều đình Trung Hoa vì có cuộc tranh chấp xảy ra tại Hà Nội, xin một số quân viện là hai mươi ngàn (20.000) người. Hoàng đế Trung Hoa đã phúc đáp bằng những chữ: “Khả, sĩ bắc phong tái biện”. Chữ “khả” có nghĩa là “được, có thể”, đó là dấu chấp thuận, hoàng đế Trung Hoa thấy vua nước Nam xin như vậy là phải, nên chấp thuận. Còn “sĩ bắc phong tái biện” thì có thể dịch là: “Ta sẽ thi hành biện pháp ngay khi gió bắc thổi tới”. Trung Hoa đã trả lời: “Rất tốt! Chúng tôi sẽ thi hành biện pháp ngay khi có gió bắc thổi tới”” (152) .
Trước ngày tên lãnh sự Pháp ở Trung Hoa phúc trình về Bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp tại Paris khoảng ba tháng, thật sự quân Thanh đã áp sát ra biên giới từ tháng bảy nguyệt lịch Nhâm ngọ (khoảng tháng tám 1882). Điều đó dẫu sao cũng khiến cho triều đình Huế vững tin.
Ngày 13.08.1882 (30 tháng sáu Nhâm ngọ), thượng thư Tôn Thất Thuyết vẫn còn bị Vua Tự Đức không chấp thuận, qua việc vua viết dụ phê phán việc ông được đề cử. Vì vậy, ngay từ lúc thượng thư Tôn Thất Thuyết hẳn chưa được sung vào Viện Cơ mật, vào ngày mùng 06 tháng 09.1882 (24 tháng bảy Nhâm ngọ), quyết tâm chủ chiến đã được Nguyễn Văn Tường đưa ra.
Cũng vẫn tên Rheinart, ngày 16.09.1882 (05.8 Nhâm ngọ), y viết văn thư phúc trình từ sự thăm dò tình báo của y, đệ trình vào Gia Định cho tên thống đốc Le Myre de Vilers:
“Trong phiên họp ngày 06 tháng [chín dương lịch 1882] này, Viện Cơ mật đã đồng thanh nhất trí theo phe chủ chiến chống Pháp. Một bản tâu đã được viết theo ý ấy và được tất cả mười sáu thành viên của Viện kí tên, đệ lên nhà vua xin chấp thuận. Người ta phỏng rằng nhà vua đã ngả về ý kiến đó, vì vào tháng năm [dương lịch, 1882], ông [:vua] đã cho vận động xin Trung Hoa can thiệp” (153).
“Nếu tách ra từng cá nhân một, thì các thành viên (của Viện Cơ mật) hẳn chưa đồng ý với sự đổ vỡ. Người ta còn có thể nói một cách khá chắc chắn là đa số đã phản đối; nhưng vì những người có ảnh hưởng nhất lại là những kẻ nghịch thù nhất. Họ lôi cuốn những người khác phải theo. Nhưng người này sợ bị liên lụy nếu tỏ ý phản đối” (153)
.
Thượng thư Bộ Hộ sung đại thần Viện Cơ mật Nguyễn Văn Tường, dĩ nhiên vẫn là “nhân vật ảnh hưởng nhất triều đình Huế” (154) (30.11.1881 [09.10 Tân tị]) .
Nếu hai khâm phái lãnh sự Nguyễn Thành Ý, Nguyễn Lập thường xuyên gửi tin tức tình báo về cho triều đình Đại Nam tại kinh đô Huế, thì các tên khâm sứ Pháp tại Huế, lãnh sự Pháp ở Yên Kinh tại Trung Hoa cũng không kém gì!

15

Tháng mười hai, những ngày gần cuối mùa đông rét buốt, thượng thư Bộ Hình Phạm Thận Duật được sung chức khâm sai đại thần, cùng với thị lang gia hàm tham tri Nguyễn Thuật sung làm phó khâm sai, đi sang Thiên Tân tại Trung Hoa, công cán về ngoại giao với nhà Thanh (155). Cũng trong phái đoàn ấy, nhưng biện lí Bộ Hộ Nguyễn Phiên (Nguyễn Thượng Phiên) sung chức khâm phái lại sang Quảng Đông để làm nhiệm vụ đệ trình tin tức, thông báo (155).
Đây là một bước thực hiện kế hoạch liên minh với nhà Thanh đã được Viện – Bạc vạch ra từ tháng tám Tân tị (1881).
“Từ khi Hà Nội có việc, ta đã đưa thư cho tổng đốc Quảng Đông là Dụ Khoan [và] Tăng Quốc Thuyên, nhờ liệu định cho thoả đáng.
Đến nay, tổng đốc họ Tăng uỷ Cục Chiêu thương [,đại diện] là Đường Đình Canh, [các viên] tỉnh thuộc là bọn Mã Phục Bôn, Chu Bỉnh Lân, cùng với phái viên Yên Kinh là Đường Cảnh Tùng đến hỏi hiện tình và bàn việc nên làm. ([Đường Cảnh Tùng là] chủ sự, tiến sĩ xuất thân, phụng mật chỉ [của vua Thanh] đến nước ta dò xét).
[Trong khi bàn luận, phía phái đoàn Trung Hoa] có câu nói rằng: “Dùng sức mà đánh, [thì] chưa thấy thừa sức; lấy lí mà biện bác, hoặc có thể giải được”.
[Triều đình Đại Nam] đã phái Nguyễn Thuật sang làm khâm sai, cùng đi với quan nước Thanh, đến trình tổng đốc Quảng Đông, nhờ chuyển lên [vua Thanh] giúp. Bỗng [triều đình ta lại] tiếp được điện tín của Lý Hồng Chương [với nội dung] mời đại thần nước ta độ hai, ba người đến Thiên Tân để hỏi han và bàn việc đối phó với nước Pháp. Vua bèn chọn bọn [Phạm] Thận Duật đem quốc thư đi.
[Về nguyên nhân của bản điện tín:] Nước Thanh được tin Hà Nội thất thủ, lập tức sai Lý Hồng Chương thương thuyết với công sứ nước Pháp là Bảo Hải [:Bourrée]. Bảo Hải [:Bourrée] cũng muốn thuận theo, [y] viết thư về nước Pháp, [xin] xét định. Cho nên Lý Hồng Chương mới có điện tín ấy… […] …” (155)
.
Chánh phó khâm sai đại thần Phạm Thận Duật, Nguyễn Thuật phải đi đường mất hai tháng mới đến Thiên Tân ở Trung Hoa! Quảng Đông, nơi khâm phái Nguyễn Phiên phải đến, không xa biên giới nước ta là mấy.
Mùa đông năm sau, họ đều trở về nước…
Dẫu sao, những nỗ lực phá vỡ sự cấm vận, bao vây ngoại giao của Viện – Bạc là rất đáng kể, khiến cho thực dân Pháp phải thất điên bát đảo. Trong đó, vai trò nhà ngoại giao kì cựu Nguyễn Văn Tường có những đóng góp rất quan trọng vào việc đề xướng và vạch nên kế hoạch.
Trong lúc vẫn tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao với Trung Hoa, ở Bắc Kì, quân Thanh đã sang đóng ở nhiều tỉnh tại nước ta và quan quân nước ta vẫn có kế hoạch phòng thủ, triển khai lực lượng đến các tỉnh với danh nghĩa bắt cướp nhưng thực chất là chuẩn bị đối phó với giặc Pháp, thực hiện sự dự phòng để cứu viện cho nhau thật nhanh chóng (156) (khắc phục nhược điểm trước đây, Pháp đánh tỉnh nào, chỉ tỉnh ấy tự chống đỡ!).
Vua Tự Đức lại ra dụ, vẫn chú trọng đến việc thương thuyết ngoại giao!
“… Nay đã trải ba mùa mà quân nước [Pháp] ấy chưa chịu rút về, lòng chúng không thể tin được, thì sự cơ càng phải cẩn thận. Nay hiện đương thương thuyết chưa xong, sơ hở không chu đáo một tí, lâm sự sao đối phó ngay được… […]… Phòng bị nghiêm ngặt kĩ hơn, lại tìm cách ngăn hẳn bọn Hán gian, cốt để cho nhân dân sở tại được ở yên, bọn bất lương không dỗ dành làm loạn được, thì tự khắc chúng [:Pháp] không xen vào đâu được…” (157) .
Vua Tự Đức gần đây vì quá lo lắng, căng thẳng, nên ngã bệnh. Đó là sắc dụ bình tĩnh, vẫn rất bình tĩnh, mặc dù được viết trong lúc nhà vua đang mệt nhọc, ốm đau, lại bất bình với hoàng quý phi Vũ thị (158). Trong tình cảnh chung và riêng tư ấy, vua Tự Đức vẫn hết sức cố gắng làm việc, luôn đọc, phê các bản tấu trình và tham khảo ý kiến đình thần, nhất là Viện – Bạc (159).
Hạ tuần tháng chạp Nhâm ngọ (1882) này, sao chổi lại mọc. Ban đầu, sao chổi dài một thước ta. Dần dần, dài đến hai thước ta. Sau ba ngày, sao chổi mới lặn mất.

16

Tết Nguyên đán năm Tự Đức thứ ba mươi sáu, Quý mùi (1883), đã trôi qua.
Triều đình được tin báo thống đốc Pháp tại Gia Định Lê My (Le Myre de Vilers) đã về nước, Tam Sung (Thomson) sang thay (160). Có điều gì khác với chính sách và chủ trương của Pháp trước đó chăng?
Viện – Bạc lại nhận được tập tâu báo từ Thanh Hoá đệ gửi vào kinh đô, với một mẩu tin về hoạt động của phái viên Pháp. Có một vài tên cùng binh lính của chúng đến động Từ Thức (161), một động vốn mang nhiều huyền thoại thuộc tỉnh ấy. Để bảo đảm việc bí mật quân binh, lập tức có lệnh ngăn chúng lại.
Về Cục Chiêu thương nhà Thanh, tuy đã có những quan hệ không những trên mặt nổi là vận tải gạo và các hàng hoá khác, còn có quan hệ chủ yếu ở mặt chìm là liên minh quân sự, trong tháng chạp năm ngoái, nhưng khi Cục ấy xin đóng tàu thuyền nhỏ để tiện vào các sông thuộc bảy tỉnh Bắc Kì chuyên chở lương thực, triều đình vẫn không thể chấp thuận (162). Đó cũng vì bảo mật việc phòng thủ và chưa hiểu nhà Thanh thực chất đang có thái độ như thế nào. Tháng giêng này, trên quan hệ mặt nổi, Bộ Hộ của thượng thư Nguyễn Văn Tường tiến hành bàn bạc với Cục Chiêu thương về việc chở thóc thay vì gạo để tồn trữ được lâu hơn, và đã tâu xin để cấp tiền tử tuất khá hậu cho một số thuỷ thủ thuộc Cục ấy bị thiệt mạng do tàu bị va chạm, mắc cạn, hỏng máy ngoài cửa biển Thuận An (Huế) (162). Sự cố xảy ra một phần là bởi cửa biển kinh đô này hiện nay đang bị mỗi ngày mỗi bồi nông dần một cách tự nhiên (162).
Bộ Hộ vẫn cố giữ sự đúng mực trong quan hệ này.
Cũng tháng giêng này, phó sứ Nguyễn Thuật đi sứ sang Trung Hoa, đến nay về lại kinh đô Huế. Nguyễn Thuật tâu trình, vẫn chưa thấy có gì khả quan hơn trong quan hệ với Trung Hoa, nhất là việc cùng nhà Thanh vận động các nước phê phán sự xé bỏ “hoà” ước Giáp tuất 1874 của Pháp, việc Pháp đang xâm lấn Bắc Kì. Nguyễn Thuật lại tâu về tình hình biên giới bắc: Kẻ gian, bọn hải tặc và quân Thanh đang dỗ mua, chận bắt dân ta và đem về nước Thanh (163)! Tháng mười một năm ngoái vừa bêu đầu tên tướng phỉ hung hãn Lục Chi Bình (164), chúng vẫn chưa chịu để cho dân ta yên ổn. Quân Thanh mới sang, chưa giúp được gì trong việc đánh Pháp, đã vội giở trò đốn mạt! Không thể không gửi văn thư trách cứ, bàn việc với tuần phủ Quảng Tây và truy bắt, phạt nặng những kẻ phạm (163).
Tình hình về thực dân Pháp và nhà Thanh Trung Hoa trong những ngày đầu năm mới Quý mùi này vẫn chỉ là như thế. Hơn ai hết, nhà ngoại giao kì cựu Nguyễn Văn Tường hết sức chú tâm, trút hết sức lực vào mặt trận này.
Việc phòng thủ, chuẩn bị thêm về binh lực, vẫn được thượng thư Tôn Thất Thuyết đảm đương, lo toan.
Tuy nổi tiếng là một vị tướng thiên về Phật giáo, căm thù “tả đạo” (165), nhưng thượng thư Tôn Thất Thuyết đã tâu xin cho Tạ Hiện về kinh làm chưởng doanh Hùng Nhuệ, mặc dù quan tỉnh Bắc Ninh tâu trình vợ Tạ Hiện là người theo Thiên Chúa giáo, “sợ quan ngại” (166) . Quan ở Bộ Binh và hẳn được sự đồng ý của thượng thư, cho rằng Tạ Hiện có nét mặt oai hùng, dáng dấp to lớn, và tuy là quan võ nhưng Tạ Hiện cũng biết văn tự, ăn nói không phải không có nghĩa lí, hơi tự phụ, nên không khỏi bị dèm pha, thế thôi (166). Hẳn Bộ Binh đã nghiên cứu trường hợp cụ thể này, thấy rằng quan hệ vợ chồng vẫn là “phu xướng phụ tuỳ” (chồng kêu vợ dạ), và đặc biệt với viên võ tướng Tạ Hiện hẳn vẫn đa thê ấy, vợ con không thể chi phối ông được một mảy may nào.
“Bấy giờ, tàu chiến nước Pháp đến thêm, mà nước Thanh mới phái đến chỉ ba doanh, hiện [quân Thanh] đóng ở Quán Ty, đi lại dò xét. Tổng đốc Bắc Ninh là Trương Quang Đản dâng sớ nói: Nước Pháp phái thêm tàu chiến, [thế] đã bức hơn trước. Ta há nên im lặng, chịu phép để đợi quân nước ngoài từ xa đến. Việc [thấy] cùng chậm lắm. Nghĩ nên chỉnh bị ngay các thứ đối phó với giặc… […] … Hạt Bắc Ninh gần sát với Đồn thuỷ của Pháp, chống giữ rất khẩn cấp, [xin] mật tư cho tỉnh Lạng Sơn bàn với [tướng Thanh] Hoàng Quế Lan, chọn phái quân một vài doanh đóng thêm ở đồn Nhã Nam tỉnh Bắc. Lương Quy Chính, Nguyễn Cao, Trần Xuân Soạn liệu trích quân ở quân thứ và toán quân ở Cao Bằng, Lạng Sơn về tỉnh [Bắc] chia nhau đóng giữ. [Bùi] Ân Niên xin vẫn ở lại tỉnh Bắc để trấn áp, [và] cùng với [Trương] Quang Đản trù nghị việc phòng bị” (167) .
Ở Viện Cơ mật – Thương bạc, đối với thượng thư Nguyễn Văn Tường, vào thời điểm này, hầu như choán hết tâm trí ông, ngoài trận thế ngoại giao, còn là mặt trận Bắc Kì. Ông nghiên cứu cẩn trọng những bản tấu, sớ ấy để đệ trình lên vua. Ông vẫn thấy rất tiếc khi vào lúc này, thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết chưa được nhà vua cử vào Viện – Bạc, trong khi thượng thư Bộ Hình Phạm Thận Duật đã sang Trung Hoa thương thuyết. Lúc này, quản lí sự vụ Bộ Binh Trần Tiễn Thành lại bị triều thần chê trách và ông ta đang xin nghỉ ốm (10)!
Đến thời điểm hiện nay, vua Tự Đức lại quá mệt nhọc và bệnh chưa khỏi! Nhà vua chắc hẳn phải quyết định bổ sung thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết vào Viện Cơ mật – Thương bạc, đồng thời, chuẩn cho tả tham tri Bộ Lại kiêm quản Nha Thương bạc Nguyễn Trọng Hợp thăng thự thượng thư Bộ ấy, tuy chưa sung Nguyễn Trọng Hợp vào tứ trụ đại thần.
Cuối tháng giêng, đình thần quyết định răn trị một nhóm dân Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hoá sao truyền cho nhau đọc ngụy thư (168). Đó là sách ngụy, trước đây do tên giặc “phù Lê” Hồ Văn Vạn cùng một tên giặc khác (tên là Quang) làm ra, nhằm mục đích tuyên ngôn cho việc chúng nổi dậy bằng vũ trang, khi Jean Dupuis, Françis Garnier đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất, Quý dậu (1873) (168). Trong những kẻ bị xử án ấy, có Cao Bá Liên (168), con trai Cao Bá Đạt, tức là cháu của Cao Bá Quát (một thi sĩ tài hoa nổi loạn, hồi lực lượng Thái bình thiên quốc bên Tàu dấy binh)!
Tháng giêng Quý mùi (1883), tuy vậy, vẫn trôi qua, chưa có động tĩnh gì về chiến tranh. Nhưng triều đình và nhân dân cả nước đều biết rằng đó là những khoảnh khắc im ắng trước khi chiến tranh bùng nổ dữ dội.
Tháng hai nguyệt lịch, một nửa quan tỉnh Hà Nội đi đóng trụ sở ở nơi khác, vì trong nội thành, Pháp vẫn chưa rút, đang khống chế (169).
Tỉnh Nam Định, dưới quyền của tổng đốc Định – Yên Vũ Trọng Bình, đành phải đóng Ti Thuế quan ở sông Trà Lý (170), trước sự tăng cường quân của giặc Pháp. Do đó, Nam Định vẫn được mộ thêm quân Thanh và tập trung, tuyển chọn võ sĩ nước ta, sau khi ông tâu báo: Theo tin tình báo, Pháp chuyển đến, đóng thêm năm trăm (500) quân ở Hải Dương, một ngàn (1.000) tên ở Hà Nội (170). Một lực lượng xâm lược không phải nhỏ, nếu kể đến vũ khí chúng được trang bị!
Phó kinh lược sứ Bùi Ân Niên chiêu mộ thêm thủ dũng và tuyển chọn được một ngàn (1.000) quân tinh nhanh, khoẻ mạnh, để chuẩn bị chiến đấu (171).
Hiện tượng cửa Thuận An bị lấp dần, trước mắt là một thuận lợi về phòng thủ. Tàu chiến của Pháp không thể vào được. Nhưng việc vận tải các hàng hoá nhu yếu, nhất là lương thực lại ách tắc. Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường phải có kế hoạch trích trữ lương thực cho kinh đô (172). Đó cũng là công việc dự bị trong tình hình chiến tranh hẳn sẽ nổ ra.
Trong thời điểm im ắng căng thẳng ấy, triều đình lại nhận được văn thư của thự lí thông thương đại thần nước Thanh Lý Hồng Chương.
“… Việc quý quốc [Đại Nam] giao thiệp với nước Pháp, sau khi bản thự [:tôi] về Thiên Tân coi việc, [đã] nhiều lần nghe tin, [cũng] đã cho bộ đường Lưỡng Quảng sao thư của quý quốc trước sau gửi đến để cho biết. [Bản thự tôi] bỗng gặp công sứ Bảo [:Bourrée] nước Pháp đóng ở Trung Quốc đi qua Thiên Tân, [nên] cùng hỏi bàn ngay trước mặt. [Bản thự tôi] định đem lời bàn thoả đáng, [đưa ra] phép hay, có ích [cho] cả hai nước. Nhưng [quý quốc Đại Nam và bản quốc Trung Hoa] nam, bắc cách nhau, đường xa, chưa biết hiện tình thế nào.
Quý quốc là phên giậu của bản triều, hơn hai trăm (200) năm rất là cung kính. Tổng lí các quốc sự vụ là Vương đại thần và bản thự gặp việc liên quan đến, rất muốn khu xử giúp cho thoả đáng. Mong rằng theo điện tín trước, [quý quốc] phái ngay đại thần đến Thiên Tân, [để] hỏi kín cặn kẽ cho tiện, [từ đó] tuỳ cơ tìm cách điều đình với công sứ nước Pháp” (173)
.
Vua Tự Đức ra lệnh viết phúc thư:
“… Các việc trước, [bản quốc Đại Nam] đã sai sứ thần đem thư đi, [đồng thời] lại đem các việc nước Pháp phái thêm tàu binh đến, [chúng] nói cố đánh quân Lưu Vĩnh Phúc để thông sang Vân Nam, khiến cho nước [Đại] Nam chịu cho nước [Pháp] ấy “bảo hộ” và [cho Pháp] đóng quân ở các kho Hà Nội, Hải Dương. [Các bản thư và lời tường thuật ấy của bản quốc Đại Nam là nhằm] xin chuyển đạt giúp đến Tổng lí các quốc nha môn, xem cơ sự [mà] xử lí khéo giúp cho, [để] cho nước [Pháp] ấy phải nghe [theo công lí]…” (174) .
Đúng là việc thương thuyết vẫn chưa xong. Hướng ngoại giao mở ra về phía Trung Hoa nhà Thanh, qua trung gian nhà Thanh, để đấu tranh với Pháp trước công luận quốc tế về việc Pháp đã bước đầu thực hiện dã tâm xâm lược Bắc Kì lần thứ hai, quả thực, chưa có gì khả quan. Thương thuyết ngoại giao chỉ đang ở mức như thế, còn liên minh quân sự? Về quân sự, nhà Thanh cũng đã cho quân áp sát biên giới và có một số quân doanh đã sang đóng trên lãnh thổ nước ta, nhưng vẫn chưa động tĩnh gì.
Tổng đốc Vũ Trọng Bình tâu trình và được chuẩn y về việc xin lấp các đường sông nhỏ, ngăn đường nhỏ để chặn tàu binh Pháp và đỡ chia quân phòng thủ (175). Đó là việc bất đắc dĩ nhưng phải làm, mặc dù tháng trước, Hà Nội phải tâu xin được đào thêm sông để bớt thế nước lũ chảy xiết (cùng với việc đắp thêm đê) (176).
Ngay sau đó, Nam Định bị tấn công!

17

Ngày mười tám, tháng hai nguyệt lịch, năm Tự Đức thứ ba mươi sáu, Quý mùi (27.03.1883), tàu binh của quân Pháp nã đại bác vào thành Nam Định (177). Quan quân chia nhau phòng giữ, bắn trả vào tàu binh của giặc. Súng lớn, súng nhỏ của bọn Pháp bắn đến suốt ngày, vẫn không hạ được thành (177).
Hôm sau, ngày mười chín (28.03.1883), tàu binh Pháp chạy đến sông Vị Hoàng, lại nã đại bác vào thành. Sau đợt tấn công bằng súng trọng pháo, chúng cho quân bộ binh sấn vào cửa đông, quyết phá cửa. Quân ta vẫn anh dũng phản công, nhiều lần đẩy lùi quân Pháp (177).
Tổng đốc Định – Yên Vũ Trọng Bình, vị quan lão thành vừa được vua Tự Đức tổ chức lễ mừng sinh nhật lần thứ bảy mươi cho ông cùng Trần Tiễn Thành hồi năm ngoái (tháng mười một, Nhâm ngọ, 1882) (178). Lúc này, với tuổi bảy mươi mốt, râu tóc bạc phơ nhưng vẫn còn rất quắc thước, khoẻ mạnh, trước sức tấn công dữ dội của bọn Pháp, ông vẫn điềm tĩnh chỉ huy quan quân chống trả quyết liệt. Ông cùng bố chính sứ Đồng Sĩ Vịnh, người Tiên Nộn, Thừa Thiên, cố thủ trong thành, theo kế hoạch đã bàn. Trong khi đó, đề đốc Lê Văn Điếm (phó bảng khoa võ, người Vĩnh Lộc, Thanh Hoá), án sát Hồ Bá Ôn (tiến sĩ khoa văn, khoá Ất Hợi, Tự Đức thứ 28, người Quỳnh Lưu, Nghệ An) dẫn quân cảm tử tiến ra ngoài thành, để chia hoả lực tấn công của giặc Pháp, vì các quan và quân binh không chịu để mất thành (177).
Trước sự phản công mãnh liệt của hai cánh quân cảm tử đã tiến ra khỏi thành luỹ, bọn Pháp phải dốc hết sức, cố tiêu diệt hai cánh quân đó. Cuộc chạm súng rất dữ dội, diễn ra từ giờ mão (5 – 7 giờ sáng) đến giờ ngọ (11 – 13 giờ trưa) (177).
Bấy giờ, nếu thái tử thái bảo, kinh lược sứ Bắc Kì Nguyễn Chính (Chánh) không hèn nhát kéo quân chủ lực, hiện đóng ở xã Đặng Xá, huyện Mỹ Lộc gần đấy, đến phối hợp với quân tỉnh như mật dụ đã ban, hẳn thành Nam Định vẫn được giữ vững và tàu binh Pháp phải bỏ chạy, bộ binh của chúng không khỏi tan tác (179). Nhưng Nguyễn Chính thật sự là một đại thần đáng lên án, nguyền rủa.
Do đó, kế hoạch phòng thủ, phản công bị vỡ!
Đề đốc Lê Văn Điếm vẫn nổ súng về phía giặc khi ông đã bị trúng đạn. Ông hi sinh ngay trên trận địa (177). Tiến sĩ Hồ Bá Ôn vẫn tiếp tục dũng cảm chỉ huy quân binh chiến đấu đến cùng. Đến cuối giờ ngọ, tiến sĩ Hồ Bá Ôn lại bị trúng đạn. Ông băng bó lại vết thương, không nao núng, vẫn phản công cố đẩy lùi giặc Pháp (177).
Nhưng cánh quân thứ nhất của Pháp từ sáng sớm đến xế trưa tấn công vào thành, đến lúc này đã hạ được thành. Quân ta trong thành cũng như ngoài thành đều vỡ tan. Thành Nam Định mất (177)!
Khi thành đã vỡ, quân sĩ đỡ Hồ Bá Ôn ra nơi trú tạm, lo chữa thuốc cho ông. Hồ Bá Ôn nói: “Đã không thể vì nước nhà bảo vệ được thành trì, nay thành mất thì mất theo, còn cầu gì nữa” (180) ! Một tháng sau, ông trút hơi thở cuối cùng, ở tuổi bốân mươi mốt.
Trong những người trung nghĩa, liệt sĩ đã hi sinh, có một sĩ nhân người Nam Định, con trai của án sát Lạng Sơn Nguyễn Mậu Kiến, tên là Nguyễn Bản. Nguyễn Bản đã quyên tiền giúp nhà nước, lại mộ dân quân vào thành cùng quân binh chính quy chống đánh giặc Pháp. Về sau, ông được triều đình phong sắc, thờ ở đền làng để đời đời tưởng niệm (181).
Bấy giờ, trước khi bọn Pháp đưa quân về Nam Định tấn công thành Nam, chúng đã tính liệu để lại ở Đồn thuỷ tại Hà Nội một số ít quân. Phó kinh lược sứ Bắc Kì Bùi Ân Niên và tổng đốc Bắc Ninh Trương Quang Đản đã cùng binh lính bí mật hành quân về Gia Lâm, Văn Giang, Đông Ngàn, gần sát Đồn thuỷ. Hai vị quan ấy đã dâng sớ xin tập kích vào Đồn thuỷ (177), một mặt triệt hạ đồn này, một mặt để quân của chúng tại Nam Định nao núng khi hay tin hậu cứ đã bị san phẳng. Sau đó, theo kế hoạch, quân Bùi Ân Niên và Trương Quang Đản sẽ lập tức tiến về thành Nam ứng cứu (177).
Kế hoạch phòng thủ, phản công, quyết tấn công để phòng thủ đã được vạch ra nhiều tháng, nhưng tiếc thay, bởi Nguyễn Chính chứ không ai khác, lại làm lỡ sự cơ, khiến thành Nam Định bị hạ quá sớm, ngoài dự kiến. Do đó, quân Bùi Ân Niên và Trương Quang Đản chưa kịp tấn công hậu cứ Đồn thuỷ, thì họ chợt biết được tin bọn Pháp sẽ đánh Bắc Ninh và đồng thời, tin thành Nam Định thất thủ đã đến (177).
Tin thành Nam Định thất thủ bay về kinh đô Huế, khiến triều đình và vua Tự Đức bàng hoàng. Đúng là bàng hoàng! Bàng hoàng hơn cả tin Hà Nội thất thủ, bởi lẽ, chính vua Tự Đức đã nhận định: “Nước [Pháp] ấy mưu tính hạt Nam Định, bọn ngươi biết tình hình ấy đã lâu, phải tính toán phòng bị, lại đã cho kinh lược Nguyễn Chính đem quân đến đóng để cùng nhau giữ, thì mưu kế đã sẵn, người lại nhiều, không hấp tấp, đơn hư như Hà Thành! Bọn ngươi chịu trách nhiệm uỷ thác mà như thế…” (177) ! Và về tỉnh Bắc Ninh, nhà vua biết chúng sẽ thừa cơ tấn công, nên bảo: “Sự thế tỉnh Nam so với trước đã khác, [và] cứ theo Hà Nội báo rằng: Quân Pháp hiện đến tỉnh ngươi [Trương Quang Đản] mưu tính quấy rối. Tỉnh ngươi tướng biền, binh dõng đã họp đông, nếu chúng dám phạm đến, phải dập tắt ngay, chớ để chúng đắc chí, và [hãy] tư bàn với thống đốc Hoàng Tá Viêm góp sức làm [:đánh] ngay cho nhanh” (177).
Hoá ra, kế hoạch tập kích hậu cứ Đồn thuỷ của giặc Pháp khi chúng đưa phần lớn quân về tấn công Nam Định của Bùi Ân Niên, Trương Quang Đản, đã bị chúng dự liệu, và chúng chỉ đợi khi quân ta ở Bắc Ninh tiến hành theo kế hoạch, chúng sẽ đánh vào ngay chính thành luỹ Bắc Ninh!
Không thể không thấy sự phẫn nộ của quan quân lẫn nhân dân kinh đô và Quảng Trị, hai nơi nguyên là kinh sư, vốn nhạy cảm tình hình nhất (182)! Sự phẫn nộ ấy đã dâng cao khi nghe tin Nam Định thất thủ. Thế là đã rõ! Một số người đến lúc này mới buột miệng, “Bắc Kì, tưởng chừng lặp lại”, hoá ra không lặp lại, mà thật sự bọn Pháp lần này quyết tâm phục hận, mối hận chín năm về trước.
Trước sự phẫn nộ ấy, tháng hai nguyệt lịch, tên khâm sứ Rheinart vừa hoảng hốt, lo lắng đến một cuộc tấn công phục hận do quân dân tự phát, vào ngay chính Sứ quán bên bờ sông Hương. Nhưng y vẫn cố giữ vẻ trịch thượng, phách lối, đổ ngược tội cho triều đình. Y ngược ngạo nói rằng, chính triều đình đã tăng cường phòng thủ, lại liên minh với Trung Hoa, mới xảy ra cơ sự ấy! Rheinart vừa lo sợ vừa nói ngược để tìm cách thoát thân. Lập tức, y cho hạ cờ ba màu xanh trắng đỏ, lá cờ mà bọn nịnh hót và tự nịnh hót gọi là Cờ Tam tài, của Nước Cộng hoà Pháp. Rheinart cho hạ quốc kì của nước y khỏi cột cờ trước Sứ quán để xuống tàu (183), giao lại chìa khoá Sứ quán cho Nha Thương bạc. Một vị quan cấp tư vụ của Nha Thương bạc không nhận. Y ném xuống đất một cách khinh mạn. Cuối cùng, Nha Thương bạc phải nén lòng nhờ giám mục Caspar giữ hộ y. Caspar lại vờ tránh né sự dính líu, nhưng cuối cùng Caspar cũng giao cho linh mục Renauld ở nhà thờ Kim Long, để cùng các quan Thương bạc bỏ chìa khoá vào thùng, niêm phong lại một cách lịch sự, cái lịch sự ngoại giao. Thùng ấy đặt trong Sứ quán. Cửa Sứ quan cũng được dán giấy niêm phong, cứ mỗi mười ngày, có người đến xem lại con niêm (184).
Rheinart vào Gia Định ngày 06.05.1883 (30 tháng ba, Quý mùi), trên chiếc tàu Patceval. Tên ranh ma ấy rời khỏi Huế để bảo toàn tính mạng, và để ở Bắc Kì, Henry Rivière tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh xâm lược mà không sợ vướng bận gì (184)!
Ngay sau khi Rheinart đi khỏi kinh đô Huế, cũng vào tháng hai nguyệt lịch Quý mùi (1883), tàu thuỷ Pháp, một chiếc lớn, một chiếc nhỏ, chạy đến bờ phía nam cửa Lục Hải, tỉnh Quảng Yên. Quân Pháp lên núi làm nhà, dựng cờ tam sắc (185)! Quan tỉnh được lệnh thương thuyết cho tàu ấy rút quân, nhưng vô ích! Đó là vài ngày sau khi bọn Pháp dưới quyền chỉ huy của Henry Rivière đã chiếm đồi Bãi Cháy ở vịnh Hòn Gay (Hồng Gai) (186). Việc xâm chiếm Hòn Gay và cửa Lục Hải, đều do sự tham mưu của hai tên thực dân, khâm sứ Rheinart và kĩ sư Turc (186), không chỉ lợi về khoáng sản là than mỏ, mà còn chiếm lợi thế về quân sự.
“Không bao giờ, không đời nào mà người ta vui lòng cho chúng ta một việc gì. Vậy muốn được cái gì thì chúng ta hãy chiếm lấy, bắt buộc họ phải theo ý chí của ta” (187) .
Đó là hai câu trong văn thư Rheinart viết ngày 09.02.1883 (mùng hai Tết, tháng giêng, Quý mùi) gửi Henry Rivière, tên nhà văn thực dân, có tham vọng phấn đấu “vào Viện Hàn lâm Văn chương Pháp bằng con đường Bắc Kì” (!). “Con đường Bắc Kì” là con đường lập chiến công xâm lược, cướp bóc trắng trợn!
Thế là với tham vọng của chính phủ thực dân tại Pháp và trực tiếp là tham vọng phấn đấu kì quặc, phi văn hoá của Henry Rivière, (ở thời đoạn Viện Hàn lâm Văn chương Pháp vốn có tinh thần nhân bản, nhân văn nhất định, đã bị lũng đoạn hoặc tự đồng loã với chủ nghĩa thực dân), không những Hà Nội thất thủ, Nam Định cũng thất thủ và Hòn Gay, cửa Lục Hải bị chiếm đóng!
Tháng hai nguyệt lịch Quý mùi (1883), năm Tự Đức thứ ba mươi sáu đau thương đến thế!

Hết tệp 4 truyện kí 9

Viết đến dòng chữ này vào lúc 16 giờ 26 phút,
ngày 29.12.2002 (26.11 Nh. ngọ, HB.2),
tại thành phố Hồ Chí Minh
.

TRẦN XUÂN AN


(133) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 130, 138 – 139.

(134) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 133.

(135) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 140.

(136) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 140.

(137) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 140.

(138) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 146.

(139) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 146.

(140) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 141.

(141) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 144.

(142) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 147.

(143) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 150.

(144) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 149.

(145) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 148.

(146) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 155. Về địa giới giữa Nam Kì thuộc Pháp và Đại Nam (Trung – Bắc Kì), Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC.), do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, bản dịch Phạm Trọng Điềm, hiệu đính: Đào Duy Anh, tập 3, Nxb. Thuận Hóa, 1992, tr. 137, ghi rõ: “Núi Thần Mẫu: ở phía tây huyện Tuy Lí; là chỗ phân giới giữa tỉnh Bình Thuận và tỉnh Biên Hòa, phía tây nam là động cát, phía đông bắc là rừng rậm”. Ở sđd., tr. 128: “phía tây đến địa giới huyện Phúc Bình [:Phước Bình], tỉnh Biên Hòa”. Núi Thần Mẫu còn gọi là núi Thần Quy. Huyện Tuy Lí đến đời Thành Thái còn được gộp với một vùng đất khác để thành huyện Tánh Linh. Tỉnh Biên Hòa dưới triều Nguyễn bao gồm cả tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai. Núi Thần Mẫu hay còn gọi là núi Thần Quy là một vết thương chia cắt Đất nước [1862 – 1885…] (như ranh giới Nam – Bắc triều [Trịnh – Mạc, 1527 – 1592, tại Thanh Hóa – Sơn Nam], sông Gianh [Trịnh – Nguyễn, 1592 – 1786, tại Hà Tĩnh – Quảng Bình], sông Bến Hải, sông Thạch Hãn [1954 – 1975 tại Quảng Trị]…). Các nơi ấy rất cần được dựng bia để ghi nhớ những nỗi đau lịch sử.

(147) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 157 – 158.

(148) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 150.

(149) TVTĐ., tập 2, Nxb. Thuận Hoá, sđd., 1996, tr. 230.

(150) NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 298 – 299: Lưu trữ AOM. Aix, Amiraux 12956, Rheinart gửi thống đốc Nam Kì, Huế ngày 02.08.1882 (19.06 Nhâm ngọ).

(151) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 89 – 91.

(152) NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 299: Lưu trữ AOM. Aix, Amiraux 12962, ngày 24.11.1882 (14.10 Nhâm ngọ).

(153) NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 299 – 300: Lưu trữ AOM. Aix, Amiraux 12961, Rheinart gửi thống đốc Nam Kì, Huế, ngày 19.09.1882 (05.08 Nhâm ngọ).

(154) NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 269: Lưu trữ AOM. Aix, Amiraux 12940, Rheinart gửi thống đốc Nam Kì, Huế, ngày 30.11.1881 (09.10 Tân tị, Tự Đức 34), xem thêm G. Taboulet…

(155) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 161 – 162.

(156) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 163 – 164.

(157) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 164.

(158) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 165 – 166, 170.

(159) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 165.

(160) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 167.

(161) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 172.

(162) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 163, 170, 174.

(163) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 171.

(164) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 145.

(165) NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 271.

(166) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 171 – 172.

(167) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 172 – 173.

(168) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 173 – 174.

(169) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 173 – 174.

(170) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 174.

(171) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 175.

(172) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 174.

(173) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 175.

(174) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 175.

(175) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 175 – 176.

(176) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 168.

(177) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 176 – 177.

(178) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 159 – 160.

(179) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 178.

(180) ĐNLT., tập 4, Nxb. Thuận Hoá, sđd., 1993, tr. 372.

(181) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 184 – 185.

(182) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 183.

(183) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 177.

(184) Bửu Kế, Chuyện triều Nguyễn (CTN.), Nxb. Thuận Hoá, 1990, tr. 82 – 83.

(185) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 177.

(186) CXL., Nxb. Tp. HCM. tái bản, sđd., 2001, tr. 394 – 396.

(187) Dẫn theo: CXL., Nxb. Tp. HCM. tái bản, sđd., 2001, tr. 395.


Chú thích xong lúc 08 giờ ngày 14.02.2002
(13.01 Quý mùi, năm thứ hai công nguyên Hòa Bình [:HB.2])
.

TRẦN XUÂN AN


Hết tệp 4
(phân đoạn 4, truyện kí 9)

Xin xem tiếp tệp 5
(phân đoạn 5, truyện kí 9)
thuộc TẬP III bộ sách “PCĐT. NVT.”.

0 Comments:

Post a Comment

<< Home